Trang

Thứ Bảy, 22 tháng 11, 2014

Viết cho em-Thơ Nguyễn trọng Tạo và lời bình Huệ Hương Hòang







VIẾT CHO EM
(Nguyễn Trọng Tạo. 2012)

Đặt Em vào giữa chiều thu
Trời thành tơ lụa. Mây mù mỏng tang
Đặt Em vào cõi mơ màng
Mắt đen. Môi đỏ. Ngỡ ngàng hiện lên
Đặt Em vào xứ thần tiên
Nụ hôn run rẩy nối liền thịt da
Đặt Em vào giữa bao la
Đường cong mỹ mãn như là vẽ tranh
Đặt em vào vòng tay anh
Vòng tay nảy những chồi xanh. Ai ngờ
Đặt Em dưới ngực. Cuộc cờ
Không vì thắng bại. Đôi bờ cỏ non
Mặt anh tắm nước suối nguồn
Da thơm mùi cỏ. Tóc thơm gió trời
Anh đi. Em sát bên người
Chuyến xe mộng mị. Buồn vui theo cùng
Lòng anh cười khóc. Mông lung
Biệt ly. Ai chẳng đã từng biệt ly
Đặt Em về chốn phẳng lỳ
Đặt Anh về phía chân đi không đành
Nhớ nhau. Vàng đá để dành
Trời xanh. Áo lụa. Lá cành cùng xanh…



Tôi tự thấy mình thật “to gan” khi dám nghĩ tới chuyện viết lời binh cho thơ của Nguyễn Trọng Tạo. Vì, con người anh, và thơ anh, có bao nhiêu nhà văn, nhà thơ, học giả nổi tiếng đã “phân tích”, “mổ xẻ”. Trong khi tôi chỉ là một anh “nguyên thầy đồ môn toán”, mới thực sự quan tâm đến văn học nghệ thuật những ngày gần đây.
Nhưng rồi tôi lại nghĩ, tôi sẽ chọn một bài của anh mà tôi cho là ít người để ý nhất, và có lẽ không phải ai đọc lên cũng phải rơi nước mắt như tôi. Đó là bài Viết Cho Em, được anh viết vào năm 2012.
Đọc thơ Nguyên Trọng Tạo, tôi luôn hình dung anh là cả một cõi giới bao la, sâu thẳm. Những cảm xúc ào ạt xô bờ như biển, và những khu rừng bí hiểm không biên giới của những ý tưởng.
Trong Viết Cho Em, điều làm cho tôi ấn tượng không phải là một nhân vật Em rất đẹp, rất kiều diễm, “Mắt đen, Môi đỏ” với “đường cong mỹ mãn như là vẽ tranh”, với “da thơm mùi cỏ, tóc thơm gió trời…” Điều làm cho tôi ngạc nhiên, chính là vì cái hành động “Đặt Em”. Có thể người phụ nữ ở đây chỉ bình thường như rất nhiều phụ nữ khác, nhưng với trái tim tràn ngập yêu đương của một thi sĩ, anh đã
“Đặt Em vào giữa chiều thu”
Để
“Trời thành tơ lụa. Mây mù mỏng tang”
Và:
“Đặt Em vào cõi mơ màng
Mắt đen. Môi đỏ. Ngỡ ngàng hiện lên
Đặt Em vào xứ thần tiên
Nụ hôn run rẩy nối liền thịt da
Đặt Em vào giữa bao la
Đường cong mỹ mãn như là vẽ tranh”
Thật hạnh phúc cho người phụ nữ nào có được những khoảnh khắc tình yêu của anh. Và ai nói rằng, tình yêu trai gái không phải là hiện thân của tâm từ? Thật sự, nếu không có một trái tim đầy từ ái, làm sao Nhà thơ có thể đặt người phụ nữ của mình vào trong những cảnh giới đẹp đẽ đến như thể, để họ cũng trở thành đẹp đẽ đến như thế?
Rồi tình yêu thăng hoa:
“Đặt em vào vòng tay anh
Vòng tay nảy những chồi xanh. Ai ngờ
Đặt Em dưới ngực. Cuộc cờ
Không vì thắng bại. Đôi bờ cỏ non”
Chà. Nguyễn Trọng Tạo viết về “chuyện yêu” mà không phải viết về chính nó, là viết về cái thần của nó, cái xúc cảm có được từ nó. Toàn bộ cuộc tình được trần thuật, nhưng lại thật thanh tao. Tôi nghĩ Hồ Xuân Hương nếu đọc những dòng này chắc phải mỉm cười thán phục: Và một tình cảm viên mãn, cũng là sự tri ân đối với người bạn tình:
“Mặt anh tắm nước suối nguồn
Da thơm mùi cỏ. Tóc thơm gió trời”
Rồi chợt tình yêu thần tiên phải đối diện với thực tế cõi đời buồn bã:
“Anh đi. Em sát bên người
Chuyến xe mộng mị. Buồn vui theo cùng”
Và con tim Thi sĩ đa sầu, đa cảm, đã nhìn thấy trước sự chia ly. Dẫu cho trong đời đã từng trải qua bao nhiêu cuộc chia ly, thì cuộc nào cũng sẽ là như nhau tại thời điểm ấy, sầu buồn thăm thẳm:
“Lòng anh cười khóc. Mông lung
Biệt ly. Ai chẳng đã từng biệt ly”
Vi anh biết, Em sẽ về với cuộc đời thường nhật, với những bổn phận mà Em đã tự đặt ra cho mình:
“Đặt em về chốn phẳng lỳ”
Mặc dù vậy, con tim vẫn vương luyến:
“Đặt anh về phía chân đi không đành”
Đến đây, chúng ta không thể không để ý đến cái tài tình tinh tế trong sử dụng ngôn ngữ của Nguyễn Trọng Tạo. Anh đã “đặt Em về chốn phẳng lỳ” và tự đặt mình “về phía chân đi không đành”. Tại sao lại là “chốn”? Và tại sao lại là phía? Vì Em đã đành lòng xa anh để quay trở lại với cuộc sống thường nhật, với những bổn phận và sự bình an. Đó là nơi chốn của nàng. Còn với người thi sĩ, thậm chí phía trước còn chưa phải là một con đường, mới chỉ là một hướng đi, mênh mang vô định. Mà phía sau, tình yêu đã khuất xa. Thật bùi ngùi cho bước chân đi không đành ấy.
Và, ai nói Nguyễn Trong Tạo không chung tình trong tình yêu?
“Nhớ nhau. Vàng đá để dành
Trời xanh. Áo lụa. Lá cành cùng xanh…”
Tình yêu còn mãi trong tim, cho dù đó là tình yêu thứ mấy. Tôi tin chắc rằng với Nguyễn Trọng Tạo là như vậy.
Tình yêu của một Người Trời lạc xuống cõi người

Huệ Hương Hoàng ( Từ Du tư Lê blog)
6/10/2014

13 nhận xét:

  1. Đặt em vào giữa giấc mơ
    Lâng lâng giấc điệp thẫn thờ con tim !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đặt em vào góc trái tim
      Nâng niu ve vuốt, lắng chìm đớn đau
      Biết mình chả phải của nhau...

      NTT quả là biết yêu, biết trân trọng người tình, bác nhỉ!

      Xóa
  2. Anh không am hiểu về thơ,càng không biết phê bình thơ .Anh đọc và phát biểu cảm nghĩ thực của mình :Nhà thơ NTT nói lên cái say đắm của mình ,cái mê mẩn của mình trước sắc đẹp của người tình quá hay ,nhưng anh cảm thấy thấp thoáng đôi câu không nói được cái "phiêu " của một nhà thơ mà như cùa 1 anh thợ cày.....xin lỗi các bạn đọc vì nhận xét không chính xác của người hay nói ngang .Riêng với TG nếu em thắc mắc cụ thể ,thằng anh trả lời sau ,hi vọng em cũng tìm được câu ấy ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em thấy có một câu chưa thật bay thôi...Hi!

      Xóa
    2. Bài thơ hay ( cố nhiên rồi) Nhưng hình như câu kết chưa hay thì phải. Em cảm thấy thế. Vì nó vừa " lặp vần" (Nói theo cách của Trần Nhuận Minh) hoặc "chập vần" ( Theo Đỗ Đình Tuân khi bàn về vần trong thơ lục bát) lại vừa mông lung thế nào ấy.
      Tuy nhiên em rất thích bài bình thơ này.

      Xóa
  3. 'Đặt Em vào giữa chiều thu
    Trời thành tơ lụa. Mây mù mỏng tang'
    Thăm bạn,đọc thơ NTT thật hay. Chúc bạn tối an lành.

    Trả lờiXóa
  4. Thật hay chị nhỉ ? Đúng là các nhà thơ tên tuổi thơ thật cảm xúc
    Chúc chị gái Song Thu tuần mới tràn niềm vui chị nhé ! (~_~)

    Trả lờiXóa
  5. Theo em, NTT viết bài này cho một "em" rất xa xôi, vì " đặt em", nghĩa là người em đó không là 1 người có thật, một tồn tại không có thật.Bởi vì có thật thì chẳng bao giờ lại đặt được em một cách dễ dàng thế. Người " em" đây là một hình tượng, một lí tưởng, một điều huyễn hoặc, bởi " tại sao lại "Đặt em vào chốn phẳng lỳ" ??? Tác giả dùng hình ảnh này muốn nói điều gì đây? Chẳng lẽ NTT lại dùng từ như của 1 anh thợ cày giống như bác Vu Duy Khac nhận xét trên kia?
    Hic hic, em cũng chỉ mạn phép bàn ngang vài câu, chúc chị mãi vui và khỏe chị nhé.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Có lẽ em nói đúng...các nhà thơ thường có nhiều người tình. Lúc này NTT có thể viết cho tất cả và ai trong số họ cũng cảm thấy là viết cho mình...hi hi!
      Theo chị thì "chốn phẳng lỳ..." là chốn không có cả xúc gì...Cô ấy đã yêu nhà thơ mất rồi, nên chỉ còn là nghĩa vụ và trách nhiệm với gia đình thôi. Éo le thế đấy! Nhà thơ biết vậy nên quý cái tình của cô ấy dành cho mình!

      Nhớ nhau. Vàng đá để dành
      Trời xanh. Áo lụa. Lá cành cùng xanh…

      Có lẽ vậy!

      Xóa