Trang

Thứ Ba, 13 tháng 1, 2015

Có thể bạn quan tâm: Dự báo kinh tế năm 2015

Top 10 dự báo kinh tế thế giới 2015


Kinh tế thế giới vừa trải qua một năm nhiều biến động với sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ chỉ giúp bù đắp đà tăng trưởng chậm chạp của châu Âu, Nhật Bản và Trung Quốc. Vậy, điều gì sẽ xảy ra với các nền kinh tế thế giới trong năm 2015?


 
Nariman Behravesh, chuyên gia kinh tế tại IHS đã trả lời với CNBC rằng: “Các yếu tố cơ bản vẫn còn tích cực và sẽ tiếp tục hỗ trợ cho đà phục hồi của nền kinh tế toàn cầu vào năm 2015”. Dự báo của IHS cho thấy, kinh tế toàn cầu có khả năng tăng 3% trong năm 2015, cao hơn so với con số ước tính 2.7% của năm 2014.
Theo đó, IHS đã đưa ra 10 dự báo về triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2015 như sau:
1. Kinh tế Mỹ sẽ bứt phá
Nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tiếp tục bứt phá nhanh hơn so với các nền kinh tế khác nhờ sự gia tăng của nhu cầu nội địa, đặc biệt là chi tiêu tiêu dùng.
Các nguồn động lực thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng – lĩnh vực chiếm 70% tổng GDP Mỹ - vẫn rất tích cực, bao gồm đà tăng trưởng việc làm khả quan, tình hình tài chính ngày càng cải thiện của các hộ gia đình và giá gas thấp. IHS dự báo kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng ở mức 2.5%-3% trong năm tới.
2. Eurozone sẽ tiếp tục khó khăn
Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ tiếp tục rơi vào khó khăn trong năm 2015 do sự yếu kém của thị trường lao động. Tuy nhiên, trước sự kết hợp của nhiều yếu tố như giá dầu thấp, sự suy yếu của đồng EUR, các ảnh hưởng từ chính sách tài khóa và nợ nước ngoài được giảm bớt, cùng với sự mở rộng của các chính sách kích thích kinh tế sẽ góp phần kích thích đà tăng trưởng kinh tế của Eurozone trong năm tới. Theo dự báo từ IHS, tăng trưởng 2015 của khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ tăng tốc lên mức 1.4% từ mức 0.8% trong năm nay.
3. Nhật Bản thoát khỏi suy thoái
Sau khi trải qua lần suy thoái thứ 4 trong vòng 6 năm qua, nền kinh tế Nhật Bản sẽ tăng trưởng trở lại trong năm 2015, mặc dù chỉ khoảng 1%. Chính sách nới lỏng của NHTW Nhật Bản (BoJ) cùng với gói kích thích kinh tế từ Chính phủ và giá năng lượng thấp sẽ là những yếu tố đưa nền kinh tế nước này thoát khỏi suy thoái trong năm tới.
4. Kinh tế Trung Quốc tiếp tục giảm tốc
Theo dự báo của IHS, sự hỗ trợ từ các chính sách tiền tệ và tài khóa không sẽ không đủ để ngăn chặn sự giảm tốc của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới xuống 6.5% trong năm tới. Dù con số này là được coi là thấp so với tiêu chuẩn của Trung Quốc nhưng vẫn là “nỗi ganh tỵ” của rất nhiều nền kinh tế khác.
5. Sự phân hóa của các nền kinh tế mới nổi
Hầu hết các nền kinh tế mới nổi sẽ đạt được mức tăng trưởng tốt trong năm 2015, nhờ giá dầu rẻ hơn, thanh khoản toàn cầu gia tăng và đà tăng trưởng tốt từ nền kinh tế Mỹ cũng như châu Âu. Trong đó, các nền kinh tế mới nổi châu Âu, Mỹ Latinh, Trung Đông và Bắc Phi, và tiểu sa mạc Sahara sẽ đạt được mức tăng truởng ấn tượng nhất trong nhóm này.
Tuy nhiên, theo dự báo từ IHS, kinh tế Nga sẽ có mức tăng truởng thấp hơn so với các nền kinh tế mới nổi khác do tác động tiêu cực của các lệnh trừng phạt, giá dầu giảm và sự tháo chạy của dòng vốn.
6. Giá hàng hóa sẽ tiếp tục giảm
Giá dầu thô đã mất 50% so với thời điểm mùa hè năm nay do nhu cầu tiêu thụ toàn cầu suy yếu giữa bối cảnh nguồn cung đang có xu hướng gia tăng.
Trung Quốc vẫn sẽ là nhân tố quyết định trong vấn đề nhu cầu tiêu thụ dầu. Theo dự báo của IHS, sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc có thể đồng nghĩa với một đợt giảm giá nữa của dầu thô trong năm tới. IHS cũng dự báo giá của các loại hàng hóa cơ bản sẽ giảm bình quân 10% trong năm tới.
7. Nguy cơ giảm phát
Giảm phát được dự đoán sẽ trở lại mạnh mẽ tại các nước phát triển trong bối cảnh giá hàng hóa cơ bản tiếp tục giảm và kinh tế thế giới tăng trưởng yếu kém. Trường hợp ngược lại đang xảy ra với các nền kinh tế mới nổi, như Nga. Nền kinh tế xứ bạch dương đang chứng kiến tỷ giá đồng nội tệ giảm chóng mặt, qua đó kéo lạm phát tăng vọt.
8. Fed sẽ nâng lãi suất lần đầu
IHS dự báo, Fed, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) và Ngân hàng Trung ương Canada (BoC) sẽ bắt đầu nâng lãi suất trở lại trong năm 2015, lần lượt vào tháng 6, tháng 8 và tháng 10, trừ khi lạm phát giảm mạnh.
Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), BoJ và Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) được nhận định sẽ tiếp tục hạ lãi suất và/hoặc cung cấp thêm thanh khoản vào thị trường thông qua các chương trình mua tài sản cùng với các công cụ khác.
9. Đồng USD sẽ tiếp tục giữ ngôi vua
Đồng USD sẽ tiếp tục mạnh lên nhờ kỳ vọng vào đà tăng trưởng khả quan của nền kinh tế Mỹ và Fed sẽ tăng lãi suất.
Trong khi đó, khả năng ECB và BoJ tăng cường bơm thanh khoản vào thị trường đồng nghĩa với việc cả đồng EUR và đồng JPY sẽ tiếp tục mất giá trong năm 2015. IHS dự báo, tỷ giá EUR/USD sẽ giảm về mức 1.15-1.2 USD/EUR vào mùa thu năm 2015, còn USD/JPY sẽ giao dịch trong khoảng 120-125 JPY/USD trong năm tới.
10. Rủi ro vỡ nợ suy giảm
Trong các năm gần đây, nền kinh tế toàn cầu đã phải đối mặt với nhiều “tai họa”, bao gồm nợ công và nợ của khu vực tư nhân cao, đòi hỏi các hộ gia đình, doanh nghiệp và Chính phủ phải cắt giảm nợ.
Tuy vậy, theo dự báo của IHS, sang năm 2015, những yếu tố cản trở tăng trưởng này sẽ giảm bớt ở một số quốc gia, nhất là Mỹ và Anh. Đó là lý do giải thích cho đà tăng trưởng tốt hơn bình quân của các nền kinh tế này.
Đào Minh Tuấn (Theo CNBC)


Kinh tế Việt Nam: Cơ hội và thách thức

Kinh tế Việt Nam: Cơ hội và thách thức
 Trong năm 2015 và một số năm tiếp theo, kinh tế nước ta đan xen cơ hội và triển vọng tích cực với khó khăn, thách thức - phân tích của chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong.
Cơ hội và triển vọng
Về tổng thể, năm 2015 và trong trung hạn, Việt Nam sẽ giữ được ổn định vĩ mô khá tích cực với mức tăng trưởng GDP và cả lạm phát đều trên dưới 6-6,5%. Theo một số ước tính, GDP của Việt Nam sẽ tăng thêm ít nhất 10% khi các FTA được ký và triển khai từ năm 2015-2025.Môi trường kinh doanh sẽ có nhiều cải thiện nhờ những nỗ lực trong nước cũng như từ triển khai theo cam kết trong khuôn khổ các FTA mà Việt Nam đang và sẽ tham gia; hạn chế được các tranh chấp thương mại quốc tế nhờ những kinh nghiệm và năng lực thích ứng mới.
Nền kinh tế sẽ có độ mở, tính chất tự do hóa và quốc tế hóa cao hơn. Áp lực và sự cạnh tranh bình đẳng và hợp tác kinh tế đều tăng lên. Các dòng đầu tư ngoại vào Việt Nam và dòng vốn Việt Nam đầu tư ra nước ngoài cũng sẽ gia tăng nhanh hơn về quy mô, đa dạng về cơ cấu và lĩnh vực, cũng như các chủ đầu tư. Kiều hối sẽ đa dạng hơn.
Cơ cấu kinh tế sẽ có sự chuyển dịch sâu sắc hơn theo hướng phát triển công nghiệp phụ trợ và tham gia chuỗi cung ứng quốc tế, trước hết với các nước thành viên tham gia FTA với Việt Nam. Các ngành du lịch, nông nghiệp, thủy, hải sản sẽ tiếp tục tăng trưởng thuận lợi. Các nhóm hàng chủ lực xuất khẩu của Việt Nam sẽ đa dạng hơn, nhóm ngành dệt may, giày dép và gạo có khả năng cạnh tranh nhờ giảm hàng rào thuế quan và mua được nguyên liệu giá rẻ, giúp giảm chi phí sản xuất. Các doanh nghiệp cũng có thêm cơ hội tham gia đấu thầu mua sắm công.Quá trình tái cơ cấu DNNN và ngân hàng thương mại sẽ đẩy mạnh hơn.Các hoạt động mua bán/sáp nhập (M&A) cũng được thúc đẩy cả bề rộng và bề sâu, nhất là trong lĩnh vực bất động sản; sản xuất và kinh doanh hàng tiêu dùng; ngân hàng, dệt may, chế tạo cơ khí…
Thị trường tài chính sẽ tiếp tục gia tăng các dòng vốn ngoại và sự phát triển các quỹ mở. Thị trường vàng ổn định. Tăng trưởng tín dụng sẽ nhanh hơn do cơ hội đầu tư và cả điều kiện tín dụng sẽ mở hơn, tạo thêm lực đẩy hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Nợ xấu được kiểm soát và từng bước xử lý linh hoạt, trong mục tiêu bảo đảm ổn định hệ thống và từng bước tiếp cận các chuẩn mực chung thế giới.
Thị trường hàng tiêu dùng sẽ có cải thiện với cơ cấu hàng hóa phong phú hơn, giá rẻ hơn và chất lượng từng bước được cải thiện. Hàng công nghệ thông tin tiếp tục đa dạng hóa và giảm giá nhanh do cạnh tranh và sự phát triển khoa học công nghệ.
Thị trường xuất khẩu lao động sẽ tiếp tục tăng mạnh và là một trọng tâm cải thiện việc làm và an sinh xã hội cho các vùng, đối tượng liên quan.
Thị trường bất động sản từng bước hình thành một chu kỳ tăng trưởng mới về quy mô, tốc độ, cân bằng và hiệu quả hơn, với tiêu điểm là phân khúc nhà ở xã hội và các căn hộ chung cư, mặt bằng kinh doanh giá hợp lý, ở vị trí thuận lợi, đủ cơ sở hạ tầng và dịch vụ xã hội, được tiêu thụ theo phương thức cho thuê, “thuê-mua” và “mua-cho thuê” và được quản lý bởi các công ty ủy thác, khai thác chuyên nghiệp có trách nhiệm cao.
Thách thức
Các doanh nghiệp sẽ đối diện với sự gia tăng áp lực cạnh tranh và mức độ mở cửa các lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ tài chính cùng với những rủi ro và chi phí cao hơn về các hàng rào kỹ thuật và yêu cầu cao hơn về năng lực tài chính, cơ chế quản trị nội bộ. Nợ xấu và hàng tồn kho những sản phẩm kém cạnh tranh hoặc thiếu đổi mới công nghệ, thiếu thân thiện với môi trường và với con người… sẽ còn là gánh nặng với doanh nghiệp kém năng động.
Quy tắc xuất xứ và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ chặt chẽ sẽ là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp đang phụ thuộc nguyên liệu nước ngoài, đồng thời, khiến gia tăng các chi phí, giảm cơ hội cải thiện thu nhập và khả năng cải thiện quy trình sản xuất vốn lạc hậu của nhiều ngành sản xuất trong nước. Các quy định liên quan đến bảo vệ môi trường và lao động sẽ tăng chi phí sản xuất của các doanh nghiệp.
Những ngành còn khó khăn liên quan nhiều đến kinh doanh bất động sản cao cấp; cơ khí chế tạo, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có cơ cấu sản phẩm và trình độ công nghệ lạc hậu; các DNNN chậm đổi mới mô hình tổ chức và trang thiết bị, công nghệ, năng lực quản trị.
Ngành chăn nuôi (nhất là lợn, gà, kể cả gà thịt và gà đẻ trứng) trong nước sẽ tiếp tục đối diện với áp lực cạnh tranh giảm giá từ sản phẩm ngoại nhập và sự gia tăng các chi phí đầu vào cũng như các hàng rào kỹ thuật nếu không đổi mới về công nghệ và mô hình chăn nuôi mới, hiện đại…
Các dự án FDI, nhất là dệt may, có thể thu hẹp lợi ích mà doanh nghiệp trong nước có được từ các FTA; vì vậy, cần quan tâm thu hút các dự án có công nghệ cao, công nghệ nguồn, có năng lực tài chính và giải pháp bảo vệ môi trường, quy mô lớn, có tác dụng tới chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành; tăng cường “hậu kiểm” và quản lý các dự án đã được cấp phép.
Ngành công nghiệp ô tô trong nước sẽ phải có sự điều chỉnh rất lớn; co hẹp về những phân khúc không phải cạnh tranh trực tiếp với ô tô nhập khẩu từ Mỹ, Nhật Bản (những nước có ngành công nghiệp ô tô tiên tiến và hiệu quả).
Hệ thống ngân hàng vẫn đối diện với áp lực giảm nợ xấu và sở hữu chéo cũng như nâng cao năng lực quản trị và chuẩn hóa các chỉ tiêu hoạt động theo chuẩn chung quốc tế và cam kết hội nhập.

Theo TS Nguyễn Minh Phong