Trang

Thứ Bảy, 10 tháng 5, 2014

Khi nào Trung Quốc thoái lui?

 - Sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981 trái phép trong vùng biển Việt Nam và các tàu Trung Quốc hành vi hung hăng, ngang ngược tấn công tàu thực thi pháp luật của Việt Nam đang thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế.
Trả lời phỏng vấn của DW (Đức), nhà phân tích Gregory Poling, một chuyên gia về Đông Nam Á thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington đã cho biết, vụ việc có khả năng tăng tình đoàn kết giữa các thành viên ASEAN, nhưng nó cũng cho thấy Trung Quốc đang dã tâm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông, bất chấp phản ứng và hành động của các nước láng giềng.
BBT xin lược dịch toàn bộ cuộc phỏng vấn với chuyên gia Gregory Poling của DW để cung cấp cho bạn đọc một góc nhìn quốc tế về sự kiện này.
Chuyên gia Gregory Poling
Chuyên gia Gregory Poling

Tại sao vị trí của giàn khoan dầu Trung Quốc lại gây nhiều tranh cãi?
Chuyên gia Gregory Poling: Vị trí của giàn khoan đang gây tranh cãi bởi trong khi Việt Nam khẳng định vị trí này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam thì Trung Quốc lại bác bỏ.
Nếu Việt Nam đúng, tất cả những bằng chứng đã cho thấy hành động đơn phương của Trung Quốc đã vi phạm cả luật pháp và tinh thần của các cam kết quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) và Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Ý nghĩa quốc tế của vụ việc này là gì, đặc biệt là khi nó diễn ra ngay sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama viếng thăm 4 nước châu Á vào cuối tháng 4?
Chuyên gia Gregory Poling: Đối với các bên tranh chấp khác với Trung Quốc trong khu vực Biển Đông như Philippines, Malaysia và Brunei, cũng như Nhật Bản ở biển Hoa Đông, sự kiện này cho thấy Trung Quốc đang tiếp tục lập trường hung hăng, cứng rắn trong tranh chấp biển. Đối với Mỹ, Trung Quốc cũng đang phát đi một tín hiệu rằng Bắc Kinh không tin Washington có đủ tiền để làm những gì là cần thiết để bảo vệ các đối tác trong khu vực và ngăn chặn Trung Quốc bành trướng. Đối với cộng đồng quốc tế, hành động của Bắc Kinh đại diện cho một thách thức với luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982.
Giàn khoan HD-981 của Trung Quốc

    Giàn khoan HD-981 của Trung Quốc

Trung Quốc muốn gửi thông điệp gì tới các nước láng giềng qua động thái này?
Chuyên gia Gregory Poling: Vụ việc này, cùng với các hành động tập trận Trung Quốc vào đầu năm nay của Bắc Kinh tại bãi ngầm James chỉ cách bờ biển Malaysia có 80km và bao vây, chặn tàu Philippines đi vào Bãi Cỏ Mây, là chỉ dấu rõ ràng cho thấy: Bắc Kinh đang quyết tâm thay đổi hiện trạng ở khu vực Biển Đông, bất chấp các khiếu nại và hành động của các nước láng giềng, kể cả những nỗ lực dùng biện pháp trọng tài quốc tế để phân xử tranh chấp hay xích lại gần Hoa Kỳ.
Vụ việc này sẽ được các nước láng giềng ASEAN của Trung Quốc nhìn nhận thế nào trong khi hầu hết các nước này dường như khá thận trọng với sức mạnh kinh tế và quân sự ngày càng tăng của Bắc Kinh trong khu vực?
Chuyên gia Gregory Poling: Tôi hy vọng vụ việc có thể giúp tăng tình đoàn kết và sự nhận thức về mối đe dọa Trung Quốc trong hầu hết các quốc gia thành viên của ASEAN, đặc biệt là tại hội nghị thượng đỉnh của khối này tại Myanmar trong 2 ngày 10 – 11/5.
Vai trò của Mỹ và những gì Mỹ có thể làm gì trong các tình huống như thế này?
Chuyên gia Gregory Poling: Mỹ phải tập hợp cộng đồng quốc tế lên án nỗ lực đơn phương thách thức luật biển của Trung Quốc. Và Washington phải sử dụng tất cả các kênh có thể để kêu gọi cả hai bên kiềm chế bạo lực.
Tác động của sự cố mới nhất này với mối quan hệ Trung – Việt?
Chuyên gia Gregory Poling: Vụ việc đã khiến mối quan hệ giữa hai nước trở nên xấu đi đến mức thấp nhất trong năm. Kinh tế Việt Nam đã phụ thuộc theo nhiều cách vào Trung Quốc như là nhà cung cấp chính nguyên liệu đầu vào cho ngành công nghiệp sản xuất của Việt Nam, nhưng Hà Nội cũng quyết đứng lên chống lại sự gây hấn của Trung Quốc và thực tế họ đã có cả hàng thế kỷ kinh nghiệm làm điều này.
Việt Nam có khả năng làm gì để chống lại các động thái hung hăng, gây hấn của Trung Quốc?
Chuyên gia Gregory Poling: Về quân sự, so với Philippines, Việt Nam có năng lực hơn rất nhiều. Mặc dù khó có thể có hi vọng so sánh với Hải quân Trung Quốc nhưng họ có khả năng gây tổn thất cho Trung Quốc trong một cuộc đụng độ quy mô lớn. Đó sẽ là một cản trở. Về mặt pháp lý, có thể hình dung được là họ có thể kiện các hành động đơn phương và sử dụng vũ lực với tàu Việt Nam của phía Trung Quốc tại một ủy ban trọng tài được thành lập theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.
Theo quan điểm của ông, Trung Quốc có thể có khả năng sẽ thoái lui trong những ngày hoặc tuần sắp tới hay không?
Chuyên gia Gregory Poling: Điều đó là chưa rõ ràng và phần nhiều sẽ phụ thuộc vào sự ủng hộ dành cho Việt Nam của các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế. Bắc Kinh sẽ chỉ thoái lui nếu họ có một cách thoái lui mà vẫn giữ được thể diện. Tốt nhất là dùng áp lực phối hợp trong khu vực và quốc tế để thuyết phục Trung Quốc rút giàn khoan trước tháng 8, là thời điểm mà Bắc Kinh nói họ sẽ di dời giàn khoan đi. Làm như vậy, Bắc Kinh có thể hợp lý hóa sự thoái lui của mình mà vẫn giữ được thể diện.
Xin cảm ơn ông!
(Theo Năng Lượng Mới)