Trang

Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2013

Thư giãn cuối tuần:Thiên thần nhỏ

Thiên thần nhỏ trong thế giới cổ tích 

 

Nghệ sĩ Queenie Liao biến giấc ngủ của con trai Wengenn thành một thế giới như trong truyện cổ tích.
Cậu bé đang ngủ được ghép vào các bức tranh độc đáo
Từ những bức tranh với cảnh trăng sao, đến lâu đài như trong truyện cổ tích
Em bé đang vẽ tranh
Hóa thành cậu bé người rừng
Chơi với thỏ trắng
Trở thành một bông hoa đẹp
Làm phù thủy cưỡi chổi bay
Và rất nhiều hình ảnh đáng yêu khác

Ngô Văn

Người nổi tiếng: Chân dung Nobel văn học 2013

Alice Munro - bậc thầy truyện ngắn đương đại

 

 


Không thích ồn ào và thể hiện nơi đám đông, Nobel Văn học 2013 trốn trong những quan sát, suy tư, trải nghiệm riêng về cuộc sống xung quanh để viết nên tác phẩm.
Ấn tượng đầu tiên mà Alice Munro, nữ nhà văn 82 tuổi giành giải Nobel 2013, để lại cho người khác là nét đôn hậu, gần gũi với mái đầu bạc phơ, ánh mắt và nụ cười rạng rỡ ấm áp. Sinh ra và lớn lên tại thị trấn Wingham, Ontario, Canada, miền quê nhỏ bé này đã lặng lẽ đi vào đời sống tinh thần của Alice Munro, sau này là bối cảnh xuất hiện trở đi trở lại trong nhiều truyện ngắn của bà dưới những cái tên khác nhau như Jubilee, Hanratty...
Alice Munro là con cả trong gia đình có ba người con. Mẹ bà là một giáo viên và cha là nông dân. Từ năm 10 tuổi, Munro đã đắm mình trong những cuốn sách và nuôi dưỡng giấc mộng văn chương. Sau khi rời trường phổ thông, bà giành được học bổng nghiên cứu báo chí và tiếng Anh tại Đại học Western Ontario, nơi đây, bà bán máu, làm bồi bàn, cuốn thuốc lá, thủ thư cùng nhiều công việc khác để kiếm tiền ăn học.
Năm 1951, Munro bất ngờ nghỉ học để kết hôn với người bạn cùng trường James Munro. Vài năm sau đó, Alice cùng chồng chuyển tới sống ở Victoria, British Columbia, dồn vốn mở một hiệu sách có tên Munro's Books. Thường xuyên tiếp xúc sách báo cộng với niềm đam mê có sẵn, Munro vừa bán sách, vừa chăm con, vừa cho ra đời những tác phẩm của riêng mình.
Chung sống với nhau được ba mặt con, Munro và chồng chia tay năm 1972. Năm 1976, bà đi bước nữa với nhà nghiên cứu địa lý Gerald Fremlin. Mặc dù vậy, bà vẫn giữ họ của mình theo họ người chồng đầu tiên - Alice Ann Munro.
Nhà văn Alice Munro. Ảnh: AP.
Alice Munro bắt đầu viết truyện từ những năm tháng tuổi teen. Bà xuất bản truyện ngắn đầu tiên năm 1950, khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học, tác phẩm có tên "The Dimensions of a Shadow". Năm 1968, khi Munro 37 tuổi, tuyển tập truyện ngắn "Dance of the Happy Shades" ra đời, nhận được sự chú ý lớn trong giới văn chương Canada. "Dance of the Happy Shades" cũng lập tức được trao giải Governor General - giải thưởng văn học lớn của Canada - dành cho lĩnh vực văn học hư cấu.
Năm 1971, bà xuất bản tuyển tập truyện ngắn "Lives of Girls and Women", được các nhà phê bình đánh giá là một tiểu thuyết có tính giáo dục lớn. Sau đó, nhiều tuyển tập khác lần lượt ra đời: "Something I've Been Meaning to Tell You" (1974), "Who Do You Think You Are?" (1978 - thắng giải Governor General), "The Moons of Jupiter" (1982), "Runaway" (2004 - tác phẩm đã được dịch sang tiếng Việt với tiêu đề "Trốn chạy"), "The View from Castle Rock" (2006), "Too Much Happiness" (2009)... Tuyển tập "Hateship, Friendship, Courtship, Loveship, Marriage" (2001) của Munro là chất liệu chính cho bộ phim "Away from Her" của đạo diễn Sarah Polley năm 2006.
Tổng cộng, Alice Munro đã xuất bản 14 tuyển tập truyện ngắn trong quãng đời viết lách của mình, chưa kể nhiều tác phẩm lẻ khác. Tuyển tập gần đây nhất của bà là "Dear Lifer" phát hành năm 2012. Bà cũng nhận nhiều giải thưởng văn chương, trong đó có giải Man Booker Quốc tế 2009 và ba giải thưởng Governor General danh giá của Canada. Đầu năm nay, nhà văn 82 tuổi đã thông báo kế hoạch gác bút, rời bỏ công việc văn chương để tận hưởng những năm tháng cuối đời.

Từng coi truyện ngắn chỉ là "bài tập" cho tiểu thuyết

Ngày 10/10, Alice Munro vượt qua nhiều tên tuổi lớn khác của văn học thế giới để nhận giải Nobel lần thứ 106. Trong lời công bố của Viện Hàn Lâm Thụy Điển, bà được mệnh danh là "bậc thầy của truyện ngắn đương đại".
Munro là nữ nhà văn theo đuổi chủ nghĩa hiện thực tâm lý. Những câu chuyện thường có bối cảnh là những thị trấn nhỏ, nơi tưởng yên bình lặng lẽ nhưng ẩn chứa không ít xung đột, mâu thuẫn, căng thẳng xuất phát từ những khác biệt thế hệ, những va chạm đạo đức, tham vọng sống của con người trong xã hội...
Munro cũng quan tâm tới phụ nữ và các cô gái trẻ, những vấn đề mà họ phải đối mặt trong cuộc sống ở những thị trấn nhỏ của bà. Các tác phẩm thời kỳ đầu của Munro thường nêu bật sự khác biệt giữa cuộc sống thời niên thiếu ở Wingham, một thị trấn bảo thủ phía Tây Toronro, cũng như những biến chuyển cuộc sống sau cách mạng xã hội những năm 1960. Trong một cuộc phỏng vấn với AP vào năm 2003, bà nói thời kỳ 1960 là "những năm tháng tuyệt vời". "Tôi sinh ra vào năm 1931, tới lúc đó, tôi cũng đã lớn nhưng không phải quá già. Những phụ nữ như tôi sau một vài năm đã được mặc váy ngắn và nhảy nhót". Có thể thấy, cuộc sống xã hội ảnh hưởng trực tiếp đến các sáng tác của Munro.

Các tác phẩm của Alice Munro. Ảnh: Usa.

Về văn phong, Alice Munro nổi tiếng với lối kể chuyện tinh tế, khúc chiết. Những chủ đề giản dị, thường thấy trong cuộc sống được thể hiện bằng lối viết dụng công ở chi tiết - dù chỉ miêu tả những câu chuyện hàng ngày, các chi tiết khi qua tay Munro đều tỏa sáng; và sắc nét ở nhân vật. Munro cũng được đánh giá là nhà văn đã "cách mạng hóa" cấu trúc của truyện ngắn - các tác phẩm thường bắt đầu ở một mốc bất ngờ, sau đó kể ngược về sau hoặc dịch chuyển về phía trước trong quỹ đạo thời gian, với kết thúc hết sức khó lường.
Alice Munro được đánh giá là một bậc kỳ tài của thể loại truyện ngắn, thậm chí một số nhà phê bình từng gọi bà là Anton Chekov của Canada. Thế nhưng, bản thân Alice Munro từng không xác định mình sẽ gắn bó với thể loại này. "Trong nhiều năm, tôi cứ nghĩ rằng truyện ngắn chỉ là bước thực tập, và tôi sẽ viết tiểu thuyết vào một ngày nào đó. Sau đó tôi phát hiện, truyện ngắn là tất cả những gì tôi có thể làm, và tôi đối diện với nó. Tôi cho rằng những nỗ lực của tôi vào thể loại này đã được đền bù".
Dù vậy, truyện ngắn của Munro thường được cho là giống tiểu thuyết hay là những tiểu thuyết thu nhỏ, không chỉ bởi độ dài của chúng mà còn bởi mật độ cuộc sống mà bà "nhét" vào tác phẩm.

Kinh ngạc khi biết mình đoạt giải Nobel

Thông qua NXB Penguin Random House, Alice Munro chia sẻ, bà rất ngạc nhiên và biết ơn giải thưởng của Viện Hàn Lâm Thụy Điển. "Tôi đặc biệt vui mừng vì chiến thắng này sẽ làm hài lòng nhiều người Canada. Tôi cũng rất hạnh phúc khi giải thưởng sẽ mang lại sự chú ý tới những nhà văn trên đất nước tôi".
Thông tin giải Nobel đến với Alice Munro trong tình huống bất ngờ. Bà bỏ lỡ cuộc điện thoại thông báo của Viện Hàn Lâm khi đang tới thăm nhà con gái ở Victoria , British Columbia. Munro sau đó được con gái đánh thức vào lúc 4h sáng để thông báo tin mừng. Vài phút sau khi biết tin, nhận cuộc điện thoại từ Hãng truyền hình Canada, Alice Munro như vẫn còn đang chuếnh choáng: "Dường như có điều gì đó thật huy hoàng đang xảy ra nhưng tôi không thể nào mô tả, nó nhiều đến mức tôi không thể nói ra bằng lời". Bà cũng không tin là mình lại được trao giải thưởng năm nay.
"Tôi thực sự hy vọng giải thưởng này sẽ khiến mọi người nhìn nhận truyện ngắn như một thể loại nghệ thuật quan trọng, không chỉ là một thứ trò chơi cho tới khi bạn có được một cuốn tiểu thuyết trong tay", Alice Munro nói. Trong truyền thống của Viện Hàn Lâm, giải thưởng thường về tay các tiểu thuyết gia hoặc những nhà thơ mà ít khi chú trọng tới tác giả truyện ngắn - điều đã được dỡ bỏ qua trường hợp Munro năm nay.
Alice Munro là nhà văn nữ thứ 13 giành giải Nobel Văn học. Bà cũng là người Canada đầu tiên nhận giải thưởng này. Trước đó, tác giả Saul Bellow sinh ở Canada cũng được trao giải năm 1976 nhưng đã chuyển tới sống ở Mỹ từ năm 1941.
Hoàng Anh