Trang

Thứ Tư, 28 tháng 5, 2014

Tạm biệt

    Sau những ngày miệt mài " bám biển"- Hì, thực ra là theo dõi chiến sự Biển Đông trong phòng lạnh... con cháu ST bảo:  " Bà nên đi 'thị sát' biển thôi..."ST thấy phải và gác lại mọi chuyện, lên đường...cũng là vì con vì cháu nữa... Tạm biệt các bạn, tạm biệt những tham luận, những bình luận sôi nổi của các cụ anh chị lớp trên về Biển Đảo đã cho ST nhiều nhìn nhận thật là bổ ích.
    ST còn nợ bài viết về những ấn tượng trong chuyến "nam tiến" cuối tháng 4 vừa qua- mà tình hình thời sự cuốn đi- chưa đăng tải lên được...Xin post một số ảnh" chưa công bố" để có cớ tạm biệt mọi người nhé!






Bên bờ biển Vũng Tàu- một ngày nắng đẹp!





Sáng sớm bờ biển Long Hải  thanh bình


" Cao bồi"Long Hải ( suối nước khoáng)

















Sài gòn

Buổi sáng bên bờ kênh gần nhà chị H và anh QT, Q1



Không thể không về tham quan Củ Chi ...



Gặp gỡ họ ngoại-Thăm nhà hai em M-T ở Q2



Bể bơi thoáng mát trong nhà hai em F-H , Q2...




Gặp gỡ họ nội trong nhà người anh họ- Q. Bình Thạnh



Và đây, bên cạnh những người bạn hiền...



Tạm biệt và hẹn gặp lại!











LỜI CẢM ƠN: HÔM NAY, THỨ SÁU NGÀY 6-6,  ST ĐÃ VỀ RỒI ĐÂY Ạ. VUI MỪNG VÌ ANH CHỊ BẠN BÈ VẪN NHỚ, ĐẾN THĂM VÀ ĐỂ LẠI LỜI NHẮN THẬT THÂN TÌNH. XIN CÁM ƠN MỌI NGƯỜI RẤT NHIỀU... TÌNH ANH CHỊ EM, TÌNH BẠN  TUY LÀ ẢO NHƯNG LẠI RẤT THẬT...ĐÃ GIÚP ST CÓ ĐƯỢC NIỀM VUI THỰC SỰ TRONG CUỐC ĐỜI CHẲNG CÒN NHIỀU NHẶN NÀY! XIN CÁM ƠN RẤT NHIỀU, RẤT NHIỀU...







Thứ Ba, 27 tháng 5, 2014

Quan hệ Nga -Trung: Tình "hữu nghị" kiểu Trung Quốc





Để hiểu Trung Quốc trong các quan hệ “đồng chí tốt, láng giềng tốt…” và một kiểu hữu nghị viển vông, TS Trần Đình Bá – Hội Khoa học kinh tế Việt Nam, có bài viết phân tích để bạn đọc hiểu rõ hơn, cảnh giác và có những đối sách trong bảo vệ chủ quyền quốc gia thiêng liêng.
Trung Quốc là một nước sản xuất bình hoa nhiều nhất thế giới và là nước đầu tiên chọn “quốc hoa”. Theo cách lý giải của họ, “bình hoa” là “hòa bình”. Vì vậy, hầu hết các đoàn nguyên thủ quốc gia, các chính khách, doanh nhân… khi đến với họ và các phái đoàn của Trung Quốc khi công du bang giao đều có món “bình hoa” làm quà tặng như một đặc sản để truyền cảm hứng cho một thông điệp tốt đẹp trên đầu môi chót lưỡi là “hòa bình hữu nghị”. Nói vậy nhưng không phải vậy, hãy nhìn lại quá khứ lịch sử và bề dày “thành tích”của họ để thấy chiều sâu của những lời hứa hữu hảo đó.

Tàu Trung Quốc hung hăng tấn công tàu Việt Nam trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Trận “mưa đá” của hữu nghị Xô – Trung trên dàn nhạc “Cachiusa” 
Trung Quốc tới 1.5 tỷ dân hôm nay hãy còn nhớ trong Chiến tranh thế giới thứ 2 với khoảng 600 triệu, vẫn là nước đông dân nhất thế giới dưới triều nhà Thanh trị vì, vậy mà từng quỳ gối để cho một nhóm người của đội quân phát xít Quan Đông “làm cỏ”… bởi huyết thống “binh đao nội chiến” của mình. Vào thời điểm đó, Liên Xô luôn vận động, hối thúc Mao Trạch Đông thành lập một liên minh với Trung Hoa dân quốc do Tưởng Giới Thạch đứng đầu – người kế nhiệm lãnh tụ Tôn Trung Sơn để chống chủ nghĩa phát xít tự cứu dân tộc mình. Thế nhưng, Mao không nghe và cuộc nội chiến trong lòng Trung Quốc diễn ra giữa 2 phe, bỏ mặc cho nhân dân bị phát xít hành hạ thảm sát. Trong 8 năm chiến tranh, Trung Quốc thiệt hại khoảng 25 triệu người chết và nền kinh tế gần như kiệt quệ hoàn toàn.
Hồng quân Liên Xô đã nhanh chóng mở mặt trận phía đông đánh tan đội quân Quan Đông của phát xít Nhật, cứu nhân dân Trung Quốc ra khỏi thảm họa diệt vong.
Kết thúc Chiến tranh thế giới thứ 2, Xtalin – người đứng đầu nhà nước Liên Xô khuyên Mao Trạch Đông đừng nên mưu toan giành lấy quyền lực, mà nên thương lượng để chung sống hòa bình với Trung Hoa dân quốc để đoàn kết dựng xây đất nước. Mao chấp thuận khôn khéo ngoài mặt nhưng thực tế thì làm ngơ lời khuyên đó bằng cách tiếp tục đánh đuổi Tưởng Giới Thạch khỏi lục địa Trung Quốc ra đảo Đài Loan và tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào tháng 10/1949.
Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác giữa Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô viết (gọi tắt là Liên Xô) được ký vào năm 1950 bao gồm một khoản cho vay lãi suất thấp của Liên Xô giá trị 300 triệu rúp – một lượng tiền khổng lồ thời đó và liên minh quân sự 30 năm. Liên Xô đã giúp đỡ từ tài chính, chuyên gia trên mọi lĩnh vực giúp Trung Quốc khôi phục sau chiến tranh, mở các nhà máy công nghiệp như gang thép, khai khoáng, lọc hóa dầu, nghiên cứu năng lượng hạt nhân phục vụ hòa bình, xây dựng nhà máy ô tô Trường Xuân lớn nhất châu Á, giúp chế tạo máy bay phản lực Mig, xe tăng, tàu thủy, các vũ khí như pháo binh. các loại vủ khí bộ binh tối ưu như súng phóng lựu B40- B41, AK phiên bản của Liên Xô, cũng được chuyển giao công nghệ sản xuất. Liên Xô còn giúp TQ đào tạo nhiều chuyên gia kỹ thuật, công nghệ và các ngành khác một cách vô tư. Một chuyên gia tốt nghiệp Đại học Năng lượng Moscow sau này trở thành Thủ tướng, nhiều lãnh đạo cao cấp trong các lĩnh vực ở Trung Quốc cũng trưởng thành từ đó.
Liên Xô thực sự cứu “con hổ” Trung Quốc ra khỏi thảm họa phát xít 1945, khôi phục phát triển kinh tế thì đáp lại Trung Quốc đã nuôi dã tâm “đền ơn” bằng những toan tính chính trị hòng làm bá chủ thế giới, từ thập niên 1950. Trung Quốc bắt đầu từ ý tưởng “đại nhảy vọt“ nhằm vượt mặt “ân nhân” để tự cho mình là “thiên tử” phải làm bá chủ thế giới.
Cậy thế có biển người lớn nhất thế giới, Trung Quốc gây hấn với Liên Xô bằng việc đưa quân đội áp sát gia tăng căng thẳng biên giới trong cuối thập niên 1960, suốt dọc theo biên giới dài 4.380 km có 658.000 quân Xô Viết phải đối đầu với 814.000 quân Trung Quốc. Cuộc xung đột biên giới 1969 là một loạt các vụ đụng độ vũ trang đỉnh điểm của sự chia rẽ với chỉ một hòn đảo nhỏ trên sông Ussuri mà người Trung Hoa gọi là Trân Bảo, còn Liên Xô gọi là Damansky (Остров Даманский).
Vào ngày 2/3/1969, Trung Quốc gây hấn cho quân lấn sâu vào lãnh thổ nổ súng tấn công trước vào bộ đội biên phòng Liên Xô đang tuần tra bảo vệ chủ quyền làm 31 người chết và 14 người bị thương. Trước sự hung hăng táo tợn trở mặt đó, Liên Xô đã lập tức dạy cho Trung Quốc bài học “lấy oán trả ân” bằng một trận pháo phản lực BM-21 loại vũ khí hiện đại được quân đội Xô Viết dùng trong thế chiến 2 có tên con gái là “Cachiusa”, được mệnh danh là mưa đá với một trận dội lửa chí tử còn dày hơn mưa đá vào các nơi tập trung quân Trung Quốc tại Mãn Châu và đảo Damansky (Trân Bảo) Trung Quốc trả giá bằng 800 binh sỹ tử vong.

Pháo phản lực Cachiusa (Katyusha) (tiếng Nga: Катюша), hay được gọi là tên lửa Cachiusa hoặc ngắn gọn là Cachiusa, là một dạng bệ phóng đạn phản lực được chế tạo bởi Liên Xô trong Thế chiến thứ 2.

Trận “mưa đá” của hữu nghị Xô – Trung trên dàn nhạc “Cachiusa” là bài học đích đáng nhớ đời nhưng vẫn chưa làm thay đổi bản chất trở mặt trâng tráo Trung Quốc là như thế.

Người Trung Quốc không có gen xâm lược: Ai tin?!
Không chỉ “báo ân” Liên Xô bằng xung đột vũ trang, mà suốt dọc đường biên giới của Trung Quốc gồm Triều Tiên, Nga, Mông Cổ, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Afghanistan, Pakistan, Ấn Độ, Nepal, Bhutan, Myanma, Lào và Việt Nam – hầu hết các nước láng giềng đều phải đương đầu với thói hung hăng gây chiến của Trung Quốc, đặc biệt có cuộc chiến tranh Trung – Ấn kéo dài nhiều thập niên về việc tranh chấp khu vực biên giới Aksai Chin và bang Arunachal Pradesh.
Trong suốt lịch sử Trung Quốc luôn gây hấn xâm lược với Việt Nam và đã nhận được nhiều bài học lịch sử trên sông Như Nguyệt, Bạch Đằng Giang, Ải Chi Lăng, Hàm Tử, Chương Dương , Đống Đa…
Bản chất hiếu chiến xâm lăng của Trung Quốc là không bao giờ thay đổi bởi tư tưởng “Đại Hán” đã di căn vào huyết quản, mặc dầu Tập Cận Bình – người đứng đầu Trung Quốc lên tiếng: “Người Trung Quốc không có gen xâm lược” và họ luôn ru ngủ Việt Nam bằng những ngôn từ tốt đẹp nhất “Phương châm 16 chữ và quan hệ “4 tốt”, ký cam kết với các nước hiệp hội ASEAN quy tắc ứng xử Biển Đông DOC, hứa tiếp tục xậy dựng COC hoàn chỉnh, song lại gây ra vụ “Hải tặc “bằng dàn khoan Hải Hương 981 và đưa nhiều tàu thuyền vũ trang xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Trung Quốc: Nói “hữu hảo” nhưng bản chất… lật lọng đổi trắng thay đen
Trung Quốc luôn lớn tiếng rêu rao, bôi xấu Việt Nam, đổ lỗi cho chúng ta “vi phạm chủ quyền” của họ, rằng họ luôn tôn trọng 16 chữ vàng và quan hệ 4 tốt… Thế nhưng, chỉ mới 40 năm qua, Trung Quốc đã chứng tỏ cho Việt Nam quan hệ “4 tốt”. Đó là năm 1974, Trung Quốc đã đê hèn tranh tối tranh sáng dùng vũ lực đánh chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa; năm 1979, đem quân xâm lược 6 tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam; năm 1988 lại dùng vũ lực đánh chiếm đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam và nay –  2014, Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 cùng hàng chục tàu thuyền vũ trang xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của ta, hung hăng táo tợn đâm vào tàu của ta vượt trên nhiều lần hình ảnh hung hãn trong phim “Những tên cướp biển của thế kỷ XX” ngay trước ống kính của các nhà báo quốc tế .
Những gì mà Trung Quốc đang làm khác rất xa những gì mà họ nói “Hữu hảo”, lật lọng đổi trắng thay đen, đâm dao vào sau lưng Liên Xô – vị ân nhân đã từng cứu mình. Việt Nam mong muốn hòa bình là hòa bình thực sự chứ không phải là thứ hòa bình chót lưỡi, đầu môi mà trong lòng tham lam, hiểm độc, luôn rắp tâm tranh giành lãnh thổ, biên cương mà đang trở thành bản chất tới mức di căn!
Tại cuộc họp báo quốc tế tại Manila – Philịppin 21/5/2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thẳng thắn: “Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình bởi vì chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng. Chúng tôi luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó”.


Thông điệp của Thủ tướng là lời non sông rất đanh thép, kiên quyết để có một hòa bình, hữu nghị trên nguyên tắc sòng phẳng tôn trọng chủ quyền quốc gia của Việt Nam theo Hiến chương LHQ cà công ước luật biển 1982.

  
    TS Trần Đình Bá (Hội Khoa học kinh tế Việt Nam)

Thứ Hai, 26 tháng 5, 2014

Biển đông và kinh tế

Diễn biến quanh việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trên vùng biển Việt Nam vẫn tiếp tục căng thẳng. Bên cạnh việc lên án mạnh mẽ hành động này của Trung Quốc, dư luận trong nước và quốc tế cũng lo ngại nếu sự việc tiếp tục căng thẳng kéo dài, kinh tế Việt Nam sẽ bị thiệt hại bởi nền kinh tế Việt Nam đang phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc.

Tuy nhiên, dưới góc nhìn của mình, ông Vũ Tuấn Anh – Giám đốc Viện Quản lý Việt Nam cho rằng: Giàn khoan Hải Dương 981 nhìn trên phương diện tích cực là áp lực đòi hỏi Việt Nam phải thay đổi về chiến lược phát triển kinh tế, xã hội nói chung. Một quốc gia mạnh mẽ phải cần một nền kinh tế mạnh mẽ để có đủ nguồn tài lực chu cấp cho khoa học, kỹ thuật, quân sự và đời sống nhân dân. Một cơ thể khỏe mạnh cường tráng về thể lực và tinh thần sẽ đề kháng mọi bệnh tật từ bên ngoài.



Và để tránh phụ thuộc vào Trung Quốc, nền kinh tế Việt Nam cần phải thay đổi kiên quyết từ các mô hình phát triển kinh tế. Cán cân thặng dư mậu dịch với Trung Quốc bắt nguồn sâu xa từ việc áp dụng mô hình tăng trưởng thông qua các khu chế xuất và hệ thống các nhà máy gia công sản xuất. Một cách nhìn khác, nếu như kinh tế Việt Nam tăng trưởng chủ yếu bởi các ngành kinh tế khác thì số lượng công nhân và nhà máy có nguồn gốc từ Trung Quốc và Đài Loan sẽ ít đi. Khi chúng ta phát triển các nhà máy sản xuất này, câu chuyện phải nhập nguyên vật liệu là đương nhiên từ công xưởng khổng lồ thế giới- Trung Quốc.

Mô hình kinh tế Việt Nam cần tập trung vào các ngành cụ thể – tăng giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản, Công nghệ thông tin, du lịch khách sạn. Có thể nói mọi ngành tại Việt Nam đều là quan trọng trong các chiến lược phát triển nhà nước. Khi mọi ngành là quan trọng có nghĩa là chẳng có ngành nào là quan trọng do dàn hàng ngang tiến lên.
Lãnh đạo Đảng và Nhà Nước cần xác định rõ 3-5 ngành cụ thể và đầu tư thật rõ ràng theo quy tắc 80/20. 80 % nguồn lực nhà nước và tư nhân cần tập trung cho 3-5 ngành cụ thể. Khi thực hiện cách tiếp cận này, cản trở khó khăn nhất chính là tư duy cục bộ ngành khi lãnh đạo ngành nào cũng tự coi ngành của mình là quan trọng và mang lại hiệu quả nhất.

Nhìn trên thực tế, nhà nước cần thay đổi tư duy từ việc tạo ra các tập đoàn nhà nước mạnh chuyển sang hình thành các tập đoàn sở hữu bởi dòng vốn Việt Nam mạnh. Các công ty và tập đoàn lớn trên thế giới đều phát triển và ngày càng bành trướng ra nhiều quốc gia. Lợi nhuận của tập đoàn sẽ được kết chuyển về quốc gia bản địa.
Mục tiêu lâu dài của nền kinh tế Việt Nam là cần phải hình thành nhiều tập đoàn và công ty sở hữu bằng nguồn vốn Việt có thể là tư nhân hoặc nhà nước. Đây chính là một bước ngoặt đòi hỏi sự thay đổi nhận thức trong lãnh đạo. Nếu như Việt Nam có từ 40-50 tập đoàn mạnh như Vinamilk, Trung Nguyên, Hoàng Anh Gia Lai, Tôn Hoa Sen, Viettel, chắc chắn vị thế kinh tế và chính trị của Việt Nam sẽ vững mạnh rất nhiều.

Vấn đề kế tiếp đó là nhà nước và chính phủ cần tập trung nguồn vốn phát triển hạ tầng một cách tập trung cũng theo quy tắc 80/20 nhằm tránh tình trang đầu tư hạ tầng tràn lan và hầu như dự án nào cũng dang dở làm lãng phí nguồn lực. Trong vấn đề này, có một câu chuyện phân quyền đầu tư giữa nhà nước và các tỉnh. Trên thực tế có rất nhiều dự án và quy hoạch phát triển cần phải đứng trên tư duy vùng thay vì tỉnh như quy hoạch đất, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông…

Việc phân cấp đầu tư xuống 64 tỉnh thành vô hình chung đã chia nhỏ nguồn lực ít ỏi của chúng ta ra 64 phần. Càng chia nhỏ bao nhiêu thì tính hiệu quả – làm đúng mục tiêu càng trở nên khó khăn hơn. Nên chăng các dự án theo qui mô và ảnh hưởng nên được quyết  định bởi Bộ thay vì các tỉnh như hiện tại hoặc theo cơ chế Vùng nhằm tăng tính hiệu quả của dòng vốn đầu tư.
Vấn đề cuối cùng chính là nhân lực. Nhân lực khác các nguồn lực khác do nó cần thời gian trễ. Để có được nguồn  nhân lực đại học tốt, ít nhất chúng ta phải chuẩn bị trước 3 năm cấp ba và 4 năm đại học tương đương 7 năm. Hay nói cách khác, ngành giáo dục phải có ít nhất tầm nhìn trước 7 năm so với các ngành khác để đáp ứng nhu cầu tương lai. Thật đáng tiếc, ngành giáo dục chạy theo các ngành khác còn chưa kịp. Cải cách giáo dục cần phải được ưu tiên và thực hiện quyết liệt trong những năm tới mới có thể giúp Việt Nam thoát khỏi nghèo nàn và lạc hậu.
Theo lý thuyết hệ thống, mỗi hệ thống đều có điểm cực đại của nó, Muốn phát triển lên tiếp theo, bản thân hệ thống phải thay đổi triệt để về  cơ cấu, qui trình và phương pháp quản lý tiếp cận. Nền kinh tế Việt Nam đã cất cánh 20 năm từ năm 1994. Thời điểm này chính là lúc chúng ta cần nhìn nhận nghiêm túc để thay đổi triệt để nhằm đạt những bước phát triển lớn lao hơn.

(Theo Giáo Dục)

Chủ Nhật, 25 tháng 5, 2014

Người Mẹ thắp ngọn Đuốc Sống

 


                                                                                      (
Thiết kế của HS. Đỗ Đồng

   
 
Người Mẹ thắp ngọn Đuốc Sống 


Mẹ không ngủ nghe sóng dậy Biển Đông
Mẹ bất an bởi gió nổi trong lòng
Kẻ xâm lược thò bàn chân  xâm lược
Gậm nhấm dần mảnh đất của cha ông...

Xưa Bà Trưng cưỡi voi xông trận mạc
Xua Hán quân dựng thành quách Mê Linh
Nay  người con thanh thản đốt thân mình
Ngọn  Đuốc Sống- hi sinh- vì biển đảo

Ôi người mẹ-lặng thinh mà cao đạo
Quyết ra đi khi Tổ Quốc lâm nguy
Một đất nước -có người con như thế
Giặc xâm lăng run sợ tất phải quỳ! 

 


Thứ Bảy, 24 tháng 5, 2014

Cuối tuần: Thư dãn cùng sắc màu của hoàng hôn

Lặng người ngắm hoàng hôn qua ô kính vỡ


Những bức hình trong bộ ảnh “Broken mirror/Evening sky” (Kính vỡ/Trời đêm) của nhiếp ảnh gia người New York Bing Wright khiến bất kì người xem nào cũng phải ngỡ ngàng trước tài năng điêu luyện của ông.
Trong bộ ảnh này, ông đã sử dụng một loạt tấm gương vỡ để bắt các phản xạ của mặt trời và ghi nhận màu sắc của ánh sáng.
Ánh sáng ngọt ngào của buổi hoàng hôn bị “khóa” trong những mảnh kính nứt với hình dáng như chiếc mạng nhện, Bing Wright đã thí nghiệm ánh sáng trên nhiều bề mặt kính màu, các phản xạ biến dạng và tăng gấp đôi hiệu quả về hình ảnh so với kính thường. Những tấm hình đặc sắc này đã được trưng bày đầu năm nay ở triển lãm Paula Cooper ở New York. Và dưới đây là điều kì diệu từ kính vỡ và trời đêm mà bọn có thể sẽ muốn xem.

M.Y


Thứ Sáu, 23 tháng 5, 2014

Bằng cách nào???


ST-  Nguyễn hưng Quốc- Nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam, có bài mới đăng trên blog của mình về Biển Đông
Những suy nghĩ của ông về việc VN phải làm gì trong hoàn cảnh hiện nay là có tính chất xây dựng và khá khách quan. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.
  
 
 

Chỉ là chiến tranh tâm lý

  
 
Chung quanh vụ Trung Quốc mang giàn khoan HD-981 đến khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông, nhiều người hốt hoảng tưởng một cuộc chiến tranh giữa Việt Nam và Trung Quốc đang hoặc sắp sửa bùng nổ. Chưa biết vài ngày hay vài tuần hay vài tháng nữa thế nào, chứ hiện nay, theo tôi, đó chỉ là một cuộc chiến tranh tâm lý.

Vâng, chỉ là chiến tranh tâm lý.

Như tôi đã phân tích trong bài “Trung Quốc đã thắng trên Biển Đông”, mục tiêu chính của Trung Quốc khi mang giàn khoan HD-981 đến khu vực được xem là thuộc đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam không phải để đánh nhau. Với Trung Quốc hiện nay, một cuộc chiến tranh với Việt Nam, dù có thắng, cũng chưa chắc đã có lợi, đặc biệt, về phương diện kinh tế và quan hệ quốc tế, trong đó có hình ảnh phát triển trong hòa bình mà Trung Quốc đã đổ rất nhiều tiền bạc và công sức ra để xây dựng. Làm thế, có lẽ Trung Quốc chỉ nhắm đến hai mục tiêu chính: Một, trắc nghiệm phản ứng của Việt Nam, ASEAN và Mỹ; và hai, khẳng định chủ quyền của họ trên Biển Đông.

Về phía Việt Nam, chính quyền có một quyết định, tuy bị phê phán nặng nề, nhưng theo tôi, thành thực mà nói, khá hợp lý là cố gắng kiềm chế, không sử dụng bạo lực để dẫn đến chiến tranh với Trung Quốc. Một cuộc chiến tranh như thế, Việt Nam không thể thắng được. Hơn nữa, còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế vốn còn rất èo uột của Việt Nam. Nhưng, có điều, nếu Việt Nam không sử dụng bạo lực thì họ làm gì? Trên thực tế, như các bản tin được phát cho báo chí, họ chỉ cho tàu cảnh sát biển vờn tới vờn lui, húc qua húc lại và bắn súng nước… chơi. Làm như vậy, dĩ nhiên không thể thắng được Trung Quốc. Họ không thể đuổi được giàn khoan. Cũng không thể nhảy lên chiếm giàn khoan. Tất cả đều bất khả. Vậy thì tại sao người ta phải tốn tiền, tốn sức để làm một chuyện không có mục tiêu như vậy? Thực ra, hai mục tiêu mà Việt Nam nhắm tới và có thể làm được là: Một, lôi kéo sự chú ý của thế giới, từ đó, may ra, nhận được sự đồng cảm và/hoặc sự ủng hộ của các cường quốc hoặc các nước trong khu vực; và hai, chứng minh với dân chúng Việt Nam là chính quyền không… hèn: Họ cương quyết bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông. Cả hai mục tiêu ấy đều có tính chất tuyên truyền.

Dĩ nhiên, trò chơi tuyên truyền như vậy cũng nguy hiểm lắm. Chỉ cần húc nhau mạnh một chút, một chiếc tàu nào đó bị đắm, những người còn lại không thể kiềm chế, phản ứng theo bản năng, bất chấp mệnh lệnh từ trên, nổi điên bắn vài phát súng, làm chết vài người bên phe đối phương. Khi có máu đổ, chiến tranh cũng rất dễ bùng lên. Không ai biết trước được. Trên thế giới, từ xưa đến nay, có rất nhiều cuộc chiến tranh nổ ra một cách rất… lãng xẹt. Hy vọng đó không phải là trường hợp của chúng ta. Lần này.

Nếu xem cuộc tranh chấp hiện nay chỉ là một chiến tranh tâm lý và trên thực tế, nó chỉ là một cuộc chiến tranh tâm lý, có hai điều cần được ghi nhận ngay:

Thứ nhất, như tôi đã từng phân tích trong bài “Trung Quốc đã thắng trên Biển Đông”, cho đến nay, Trung Quốc đã thành công trong tất cả các mục tiêu họ đặt ra.

Thứ hai, điều đó cũng có nghĩa là Việt Nam đã thất bại: Họ không thể nào đuổi được Trung Quốc ra khỏi Biển Đông và cũng không thể tìm bất cứ đồng minh nào có thể giúp Việt Nam làm được điều đó.

Nhưng như vậy không có nghĩa là Việt Nam hoàn toàn tuyệt vọng. Nếu khôn ngoan, Việt Nam có thể lợi dụng tình thế hiểm nghèo và khá nhục này để chuyển bại thành thắng.
 

Bằng cách nào?

Có nhiều cách, nhưng cách thứ nhất là sử dụng hình ảnh ngang ngược của Trung Quốc trong cuộc xâm lăng thô bạo vùng biển của Việt Nam để giúp thế giới hiểu rõ những hiểm họa mà Trung Quốc có thể gây ra cho các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, và, về lâu về dài, cho cả thế giới. Nhận thức được hiểm họa ấy, người ta sẽ đoàn kết hơn để cùng chống lại Trung Quốc. Với sự đoàn kết ấy, may ra Việt Nam mới có thể xây dựng liên minh chiến lược với một số nước trong khu vực.

Trong cái gọi là liên minh trong khu vực này, hầu hết các nhà bình luận chính trị trên thế giới đều có hai ý kiến giống nhau: Một, Việt Nam nên loại bỏ ý định sử dụng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) như một liên minh để đối đầu với Trung Quốc. Lý do đơn giản: đó là một điều bất khả. Hầu hết các quốc gia trong khối đều có liên hệ kinh tế rất chặt chẽ với Trung Quốc. Sẽ không bao giờ có sự thống nhất nào cả, trừ phi Trung Quốc gặp khủng hoảng về kinh tế dài hạn. Hai, thực tế hơn, Việt Nam nên liên kết với các nước hiện đang có sự tranh chấp về biển và đảo với Trung Quốc: Malaysia, Philippines và Brunei (và có thể, Indonesia). Thật ra, Việt Nam và các quốc gia này cũng có những tranh chấp về lãnh hải, nhưng những tranh chấp ấy có những phạm vi khá nhỏ, không nghiêm trọng bằng những tranh chấp giữa họ với Trung Quốc (bao trùm đến 90% diện tích Biển Đông). Nếu khôn khéo và biết nhân nhượng nhau, họ có thể lập thành một mặt trận chung để đối đầu với Trung Quốc, từ đó, đòi hỏi Trung Quốc phải giải quyết vấn đề theo chiều hướng đa phương thay vì song phương như hiện nay. Nhờ thế, Việt Nam mới có thể quốc tế hóa các tranh chấp với Trung Quốc được.

Thứ hai, Việt Nam phải cấp tốc đẩy mạnh quan hệ với Mỹ. Thích hay không thích Mỹ, chúng ta cũng phải thừa nhận với nhau sự thật này: Hiện nay, chỉ có một nước duy nhất có thể giúp Việt Nam thoát khỏi hiểm họa Trung Quốc: đó là Mỹ. Không còn nước nào khác.

Thứ ba, trong suốt thời gian chờn vờn với nhau ngoài Biển Đông, chính quyền Việt Nam cần lấy lại niềm tin của dân chúng. Từ nhiều năm nay, rõ ràng nhận định phổ biến của dân chúng Việt Nam đối với chính quyền là: hèn. Không ít người đi xa hơn, cho chính quyền Việt Nam đã bị Trung Quốc hoàn toàn mua chuộc. Công việc đầu tiên mà chính quyền cần làm là chứng minh các nhận định ấy hoàn toàn sai và cũng chứng minh là họ thực sự đang lãnh đạo đất nước trong cuộc đối đầu với Trung Quốc xâm lược.

Nhưng để làm được ba điều trên, điều chính quyền cần phải làm là xác định lại quan hệ với Trung Quốc. Dĩ nhiên, sẽ không khôn ngoan chút nào nếu chính quyền công khai và thẳng thừng cắt đứt mọi quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Là nước nhỏ, nằm ngay sát nách của Trung Quốc, Việt Nam rất khó làm được điều đó. Ngay từ xưa, cha ông chúng ta đã biết rõ như vậy. Ngay sau chiến thắng nhà Minh vào năm 1428, Lê Lợi đã chủ trương làm hòa ngay với Trung Quốc. Ngay sau khi đuổi bọn giặc nhà Thanh khỏi bờ cõi năm 1789, Quang Trung cũng đã làm hòa với Trung Quốc. Bây giờ, thời đại khác, nhưng số phận của đất nước chúng ta cũng không thay đổi. Nhưng làm hòa với Trung Quốc không có nghĩa là nhu nhược và dại dột đến mức cứ ra rả tụng niệm 4 Tốt và 16 Chữ Vàng.

Cứ khư khư ôm giữ những khẩu hiệu mù quáng ấy, sẽ không có ai tin và muốn làm bạn với Việt Nam.

Ngay cả dân chúng cũng không thể tin và kính trọng chính quyền.


Nguyễn Hưng Quốc

Thứ Năm, 22 tháng 5, 2014

" Vạch mặt tướng diều hâu Trung Quốc"

ST:  Dư luận cho rằng, dù tướng Lương Quang Liệt mất chức Bộ trưởng Quốc phòng, nhưng thế lực của “phái diều hâu” đang tăng lên ở Trung Quốc. Điều này được thể hiện qua hành động ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông và Biển Đông trong thời gian gần đây. Sona News có đăng bài: " Vạch mặt tướng diều hâu Trung Quốc"


 Bây giờ xin mời " ngắm"  những "gương mặt" tiêu biểu:


Mời xem thêm:

La Viện là thiếu tướng về hưu của quân đội Trung Quốc, hiện đang là Phó chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến Văn hóa Chiến lược Trung Quốc. Ông ta nổi tiếng với những phát ngôn diều hâu, hiếu chiến, bóp méo sự thật để khơi dậy chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở Trung Quốc.





Tướng diều hâu La Viện

 

La Viện ngang ngược: “Trung Quốc sẽ đưa cả trăm giàn khoan ra biển Đông”

 

  Và trắng trợn tuyên bố không chỉ là bây giờ mà sau này Trung Quốc sẽ liên tục khai thác dầu ở biển Đông và các nước nhỏ phải chấp nhận.

                                                                                                          ( Theo nguyentandung.org) 

Thứ Tư, 21 tháng 5, 2014

Này này hải tặc Trung Hoa...






Việt nam mảnh đất thân thương
Cong cong chữ S xương xương nóc nhà
Đất liền -Biển đảo gần xa
Thiêng liêng một cõi, yên hòa Âm-Dương

Nghìn năm Bắc nạn đau thương
Trăm măm thuộc Pháp tận tường... đắng cay
Chín năm kháng chiến dạn dày
Bao năm đuổi Mỹ...
Vẫn
 còn đây Nước Nhà!


Này này hải tặc Trung Hoa
Rút ngay! 
Chớ thử lòng ta rắn -mềm!
Non sông nặng một lời nguyền 
Ông- Cha- Cháu- Chắt
Quyết
giữ nguyên đất này!



http://static8.nguyentandung.org/files/thumbs/w130-h95/2014/05/poster-yeu-hoa-binh.jpg



                            Nhập mô tả cho ảnh

                                 

Thứ Ba, 20 tháng 5, 2014

Putin cần ai? Và ...Tình bạn kiểu Trung Quốc



ST: Chả biết lá phiếu của TQ ở LHQ chân tình thế nào, chả biết Putin có bị nụ cười của ĐD TQ "mê hoặc" không? mà Putin phát biểu "lâm ly hữu nghị" quá trong chuyến thăm TQ vừa qua...Mời đọc:

 

Putin cần Trung Quốc, Bắc Kinh thế thượng phong

 
(GDVN) - Sự háo hức của Nga trong làm ăn với Trung Quốc đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử đầy biến động của mối quan hệ giữa các quốc gia.

Trước chuyến thăm, Putin nói với truyền thông Trung Quốc rằng phát triển quan hệ Nga - Trung là "ưu tiên vô điều kiện".

Bloomberg ngày 20/5 phân tích, chuyến thăm 2 ngày của Putin tới Trung Quốc với hợp đồng khí đốt được ký kết sau hơn 10 năm tranh luận giá cả cho thấy ông chủ điện Kremlin đang tìm cách thắt chặt quan hệ với Trung Quốc kể từ khi Nga xa rời Mỹ và EU sau khủng hoảng Ukraine.
Quan hệ với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Nga sau khi tổng kim ngạch thương mại 2 chiều tăng 7 lần trong 10 năm, lên đến 94 tỉ USD năm ngoái đang ngày càng quan trọng hơn khi các biện pháp trừng phạt của phương Tây đe dọa đẩy nền kinh tế Nga rơi vào suy thoái.
"Khi mối quan hệ của Nga và phương Tây xấu đi, quan hệ Nga - Trung Quốc sẽ cần phải phát triển mạnh mẽ", Dmitri Trenin, Giám đốc Trung tâm Carnegie Moscow bình luận.
Bắc Kinh chứ không phải Moscow sẽ là quyền lực toàn cầu. Vai trò đảo ngược được nhấn mạnh bởi sự chênh lệch về phát triển kinh tế của họ trong 35 năm qua. Năm 1979 khi Đặng Tiểu Bình bắt đầu cải cách kinh tế, GDP của Trung Quốc chỉ bằng 40% của Nga (thuộc Liên bang Xô Viết lúc đó). Đến năm 2010, nền kinh tế Trung Quốc đã có kích thước gấp 4 lần Nga.
Sự háo hức của Nga trong làm ăn với Trung Quốc đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử đầy biến động của mối quan hệ giữa các quốc gia. Nga và Trung Quốc là 2 trong số 5 cường quốc hạt nhân có quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã hợp tác với nhau trên vũ đài chính trị quốc tế.
2 bên thường xuyên phối hợp lực lượng để chống lại những gì họ gọi là sự thống trị của Mỹ. Nga, Trung Quốc cần nhau nhiều hơn bình thường khi Bắc Kinh đang trở thành tâm điểm của các cuộc tranh luận quốc tế về xung đột trên Biển Đông, Lý Lập Phàm, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nga và châu Á từ Viện Khoa học xã hội Thượng Hải nhận xét.
Như dấu hiệu thể hiện tình đoàn kết, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã trở thành khách mời danh dự tại Olympic mùa Đông Sochi vào tháng Hai năm nay. Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Đức Angela Merkel và hầu hết các nhà lãnh đạo châu Âu đã hủy chuyến đi này.
Trong khi khủng hoảng leo thang hơn tại Ukraine, Trung Quốc đã không thể hiện lập trường dứt khoát. Bắc Kinh đã bỏ phiếu trắng tại Hội đồng Bảo An về một dự thảo nghị quyết lên án cuộc trưng cầu dân ý xác nhận sự ly khai của bán đảo Crimea khỏi Ukraine.


Mời xem tiếp:


Tình bạn kiểu Trung quốc

Trong bối cảnh hiện nay, cách nhìn nhận về vấn đề Crimea của Trung Quốc đã trở thành một mối bận tâm lớn của nền chính trị thế giới. Bởi Trung Quốc có vai trò không nhỏ trong việc xác lập thế cân bằng các cực.
    Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình



Trong khủng hoảng ở Crimea, đã có một cuộc chiến tranh thông tin khốc liệt diễn ra. Giới vận động hành lang thân Trung Quốc ở Nga đã cố gắng chứng minh rằng trong vấn đề này, BẮc Kinh luôn ủng hộ Matxcơva. Bằng chứng là khi biểu quyết cho nghị quyết về “Vấn đề Crimea” tại Hội Đồng Bảo An Liên hợp quốc, đại diện Trung Quốc đã mỉm cười khi bỏ phiếu trắng. Thật là nực cười khi việc bỏ phiếu trắng lại được coi là đồng nghĩa với sự ủng hộ, và tại sao chúng ta lại nhất định phải cảm thấy nụ cười của nhà ngoại giao Trung Quốc là thân thiện?
Nếu nhìn vào thực chất của vấn đề thì Trung Quốc đang bị rơi vào một tình cảnh rất trớ trêu. Với Bắc Kinh, rõ ràng họ khó chấp nhận các sự kiện xảy ra ở Kiev (lật đổ chính quyền hợp hiến) hay ở Crimea (Ukraine mất một phần lãnh thổ). Trường hợp thứ nhất, Trung Quốc sẽ phải buộc tội phương Tây, trường hợp thứ hay, quốc gia này sẽ buộc tội Nga.
Ngoài ra, kết quả của cuộc khủng hoảng này đã giáng một đòn nặng vào các quyền lợi của Trung Quốc ở Ukraine, nhất là ở Crimea. Một ví dụ là dự án xây dựng cảng nước sâu ở phía tây Crimea, một phần quan trọng trong dự án “Con đường tơ lụa mới” và là đầu mối cho việc xuất khẩu lúa mì từ Ukraine sang Trung Quốc.

Bài viết gốc có tựa đề “Tình hữu nghị kiểu Bắc Kinh” được đăng tải trên tờ Bình luận quân sự độc lập (NVO) của Nga, ngày 16/05/2014. Tờ NVO (Tiếng Nga: Независимое военное обозрение, Tiếng Anh: Independent Military Review) là tờ báo chuyên bình luận về vũ khí, các hoạt động quân sự của Nga và thế giới. NVO có vai trò khá lớn trong việc hoạch định chính sách quân sự của Nga.
Tác giả bài viết là A.Khramchikhin, Phó Giám đốc Viện phân tích chính trị và quân sự Viện Hàn lâm khoa học Nga.
Dịch giả T.M.H đã chuyển thể bài viết từ phiên bản tiếng Nga. Infonet trân trọng gửi đến độc giả một quan điểm khác về mối quan hệ Nga – Trung Quốc trong bối cảnh hiện nay và trước thềm chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Trung Quốc vào ngày 20/5/2014.
“Con đường tơ lụa mới” hiện tại là một trong những dự án địa chính trị quan trọng nhất của Bắc Kinh, nó mang tính chất chống Nga lộ liễu đến mức mà kể cả những nhà vận động hành lang thân Trung Quốc cũng không thể phủ nhận.
Dự án này có thể phá hủy hoàn toàn Transsib (xuyên Xi-bê-ri) và Sevmorput (đường biển phía Bắc) của Nga như là những con đường giao thương huyết mạch kết nối Á-Âu.
Trong dự án “Con đường tơ lụa mới”, Trung Quốc dự định xây dựng tuyến đường sắt xuyên Trung Á với khổ đường châu Âu. Cảng nước sâu ở Evpatory sẽ là một đầu mối quan trọng. Để tiếp tục thực hiện dự án Trung Quốc buộc phải nhìn nhận một cách thực tế rằng Crimea đã thuộc về Nga, một điều rất khó chấp nhận.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng buộc phải dừng dự án thuê đất ở Ukraine, trong đó có một phần ở Crimea. Kiev cố che đậy dự án này. Trong khi ở Bắc Kinh, nó là câu chuyện trà dư tửu hậu của các quan chức chính quyền. Một điều thú vị là công ty đứng ra thuê đất là Tập đoàn công nghiệp xây dựng Tân Cương, một công ty quốc phòng của Trung Quốc. Công ty này được thuê đất với quyền miễn trừ hoàn toàn và lời hứa được thuê thêm nữa. Giới tin tức ở Nga đã có tin đồn rằng, Crimea sáp nhập Nga sẽ khiến dự án hoàn toàn sụp đổ.
Quan điểm mập mờ

Nga và Trung Quốc thường xuyên tiến hành tập trận chung như là một cách thể hiện quan hệ đối tác chiến lược.
Nga và Trung Quốc thường xuyên tiến hành tập trận chung như là một cách thể hiện quan hệ đối tác chiến lược.

Không phê phán, không ủng hộ – đó là cách mà Bắc Kinh thể hiện thái độ đối với khủng hoảng ở Crimea. Các quan chức ngoại giao Trung Quốc lặp đi lặp lại điệp khúc “yêu hòa bình”, và ai muốn hiểu sao cũng được.
Cụ thể, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố giữ “quan điểm công bằng và khách quan” đối với tình hình Ukraine. Trung Quốc đã đề xuất thành lập một cơ chế hòa giải quốc tế trong thời gian ngắn nhất, kêu gọi tất cả các bên liên quan không thực hiện bất kỳ động thái nào làm tình hình xấu đi. “Trung Quốc ủng hộ các cố gắng của cộng đồng quốc tế làm giảm căng thẳng và hoan nghênh mọi đề xuất tìm kiếm giải pháp chính trị cho vấn đề này” – ông Tập tuyên bố.
Theo tinh thần đó, Trung Quốc đã bỏ phiếu trắng trong cả hai lần biểu quyết ở HĐBA LHQ. Vì thế, kết luận rằng Trung Quốc ủng hộ Nga thật là vô lý, trái với các sự kiện diễn ra trước đó. Mười nước bỏ phiếu chống lại các nghị quyết trừng phạt Nga, thể hiện quan điểm mạnh mẽ. Trung Quốc không làm vậy, ít nhất là trong các phát ngôn chính thức.
Thậm chí, trên các tờ báo nhà nước phiên bản tiếng Anh của Trung Quốc, người ta có thể thấy một quan điểm chống Nga hết sức rõ ràng. Tờ Thời báo Hoàn Cầu, tuy không phải là cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, nhưng nó thực sự là một công cụ tuyệt vời để thể hiện quan điểm thực sự của Bắc Kinh về các vấn đề “tế nhị” và “không thể công khai”.
Ngay sau cuộc Trưng cầu dân ý ở Crimea, Thời báo Hoàn Cầu liên tục có những bài viết nói rằng: “Ủng hộ vô điều kiện cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine không giúp thế giới tăng lòng tin vào nguyên tắc ngoại giao lâu đời của Trung Quốc; “Không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác vì nó có thể làm tiền lệ cho các cường quốc can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc ở các vùng Tân Cương và Tây Tạng, những nơi đang tồn tại căng thẳng sắc tộc và phong trào li khai”; “Ủng hộ việc tách Crimea ra khỏi Ukraine bằng trưng cầu dân ý có thể coi như là sự giả dối, bởi vì chính Trung Quốc năm 2005 đã có luật cấm các vùng lãnh thổ tách ra khỏi quốc gia. Luật này cho phép sử dụng sức mạnh trong trường hợp Đài Loan tuyên bố độc lập với Trung Quốc qua trưng cầu dân ý hoặc qua các thủ tục khác”.
Đó là những luận điệu không hề thân thiện với Nga.

Nga không cần đến Trung Quốc trong khủng hoảng Ukraine 
Rõ ràng là quan điểm của giới lãnh đạo Trung Quốc không thể thay đổi trong vài ngày. Trung Quốc có lẽ ngại đối đầu trực tiếp với Nga. Sự phản đối Nga có thể làm sụp đổ ngay cái gọi là đối tác chiến lược Matxcơva – Bắc Kinh, bỏ lại một mình Trung Quốc lẻ loi trước Phương Tây. Ngoài ra Matxcơva trong cuộc khủng hoảng Ukraine đã hiển thị một quân đội hùng mạnh và hiện đại, và đã thể hiện sự sẵn sàng sử dụng sức mạnh bất chấp nguy cơ xẩy ra một cuộc chiến tranh lớn. Từ quan điểm quân sự, chiến dịch ở Crimea có thể coi như một kiệt tác của Quân đội Nga.
Việc này gây ấn tượng sâu sắc ở Bắc Kinh, và họ hiểu rõ hơn ai hết ngôn ngữ của sức mạnh. Cũng vì thế, việc đối đầu với Nga là điều không bao giờ nên xảy ra với Bắc Kinh. Phương Tây bất lực ở Ukraine, các biện pháp trừng phạt giống như trò hề. Và rõ ràng, Trung Quốc thấy sự “phớt lờ” của Nga ở chiến trường này, thấy được chiến thắng của Nga.
Liệu Nga có thể rút ra được bài học nào về cách cư xử của Trung Quốc hay không? Điều quan trong nhất là ở hiện tại và trong tương lai, Nga phải tiếp tục phải thể hiện sự “trên cơ” đối với Trung Quốc, không cần phải nhún nhường, bởi chẳng có nguyên nhân nhỏ nào để phải làm thế. Rõ ràng, chẳng có lý do gì phải “thưởng” cho Bắc Kinh khi mà họ không hề giúp đỡ gì cho Matxcơva.
Sai lầm lớn nhất của Nga là đã bán cho Trung Quốc tiêm kích Su-35S, chưa kể là hệ thống tên lửa phòng thủ S-400. Kremlin cần ngay lập tức dừng lại việc bán vũ khí hiện đại nhất cho kẻ thù chính tiềm tàng của mình.
Trong những năm 1990, việc bán vũ khí có thể giải thích rằng sẽ giúp cho các Tổ hợp Công nghệ quốc phòng (OPK) tồn tại (nhất là khi đó Bắc Kinh mua vũ khí với số lượng lớn và giá trị cao). Hiện nay, không còn lý do thích hợp nào để biện hộ cho việc này nữa. Các OPK ngày nay còn chưa thể đáp ứng các đơn đặt hàng trong nước, Nga thì thừa thãi các khách hàng và không cần phải “chăm sóc các kẻ thù tiềm năng”. Thêm vào đó, Trung Quốc chỉ mua vũ khí theo những lô hàng nhỏ mà mục tiêu duy nhất của họ là để đánh cắp công nghệ.
Đây là thời điểm phù hợp để Nga thay đổi bản chất quan hệ với Trung Quốc vốn từ trước đến nay chỉ đem lại lợi ích cho Bắc Kinh. Không những phải chấm dứt việc bán vũ khí mà còn phải chấm dứt nhường nhịn trong chính trị và kinh tế.
Nga đã thể hiện rất nhiều trước những “con hổ giấy” phương Tây trong khủng hoảng Ukraine. Trung Quốc không phải là hổ giấy, họ có tiềm lực nhất định. Nhưng sức mạnh của Trung Quốc vẫn còn nhiều giới hạn. Việc Nga sát nhập Crimea không phải là một tiền lệ cho Trung Quốc (Trung Quốc cũng chẳng cần tiền lệ, họ luôn luôn hành động dựa trên khả năng và ý muốn của mình), mà ngược lại, Nga cần để Trung Quốc thấy rằng họ cần phải giảm bớt “sự thèm thuồng” đối với phần lãnh thổ phía Đông của Nga.
Nga có thể tiếp tục điệp khúc “quan hệ đối tác chiến lược”, nhưng về bản chất quan hệ phải trở nên thực tiễn và cứng rắn ở mức tối đa. Nếu Matxcơva quyết định rằng phải nhường nhịn Trung Quốc, trong tương lai, sự kiện ở Crimea có thể sẽ trở thành vấn đề lớn cho Nga ở vùng Viễn Đông. Sai lầm sơ đẳng nhất là coi Trung Quốc như một đối trọng với Phương Tây. Trung Quốc mới là mối đe dọa chính với Nga, Phương Tây không như vậy. Chơi với Trung Quốc rất dễ trở thành “nghịch dao mà đứt tay”.

(Theo Infonet)