Trang

Thứ Tư, 17 tháng 7, 2013

Câu chuyện giữa tuần: Snowden

ST: Quanh  Snowden có nhiều ý kiến. Người khen, kẻ chê, người thương, kẻ ghét. Bạn nghĩ thế nào? Dưới đây là một trong những  phân tích . Mời đọc:

 

Kể bằng hí họa: Câu chuyện Snowden 

 


1. Câu chuyện Snowden sẽ không tréo ngoe đến thế, nếu mới trước đó, Mỹ không tố cáo Trung Quốc chuyên cài gián điệp mạng, đánh cắp bí mật công nghệ và những mẫu thiết kế vũ khí hiện đại của Mỹ! Trong hí họa này của Harry Harrison (Washington Post), chú Sam và Gấu Trúc làm biên bản ghi nhớ: “Tóm tắt lại, dùng mấy biểu tượng mặt cười, quăng mấy cái videos mèo con vui vui thì tốt, nhưng ăn cắp bí mật của chính phủ và doanh nghiệp thì xấu nhé.” Trung Quốc rất cay mũi trước thái độ này của Mỹ…


2. Thế rồi Edward Snowden, cựu điệp viên Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ NSA (tổ chức nghe lén khủng nhất thế giới) đã đào tẩu tới Hong Kong, trú tại một khách sạn bí mật rồi gửi thông tin cho các tờ báo lớn, tố cáo Chính phủ Mỹ đã tổ chức chặn bắt thư điện tử, nghe lén trên quy mô lớn, từ dân thường đến nguyên thủ quốc gia, từ đối thủ đến đồng minh thân cận. Những tiết lộ này của Snowden đã khiến Mỹ bẽ mặt, quyết săn Snowden bằng được. Nhưng chẳng ai rõ anh ta ở đâu. Trong hí họa này của Sinann, câu hỏi là: “Liệu Edward Snowden có thể núp đâu ở HongKong?” Đáp án: Snowden núp ngay sau con vịt cao su bày ở Art Basel HongKong!


3. Việc “Kẻ lộ mật” E.Snowden tiết lộ rằng chính NSA cũng xâm nhập mạng của Trung Quốc quả là một cơ hội vàng để Bắc Kinh phản đòn, cho rằng Mỹ vừa ăn cướp vừa la làng. Trong một hí họa của Luo Jie, Tượng nữ thần Tự do của Mỹ với ngọn đuốc tự do trong tay, nhưng bóng của Nữ thần là một gã điệp viên đội mũ phớt đeo tai nghe, một tay ôm máy ghi âm, tay kia giương cao ăng ten để bắt sóng!

4. Và việc Snowden ở Hongkong, tức lãnh thổ Trung Hoa, là một mối nguy hiểm với Mỹ, vì Trung Quốc có thể khai thác viên cựu điệp viên này. Chính quyền Hong Kong rất lừ đừ trong việc truy tìm Snowden hộ Mỹ. Trong hí họa trên của Harry, khi một nhân viên Trung Quốc báo cáo với thượng cấp rằng vẫn chưa thấy Snowden đề đạt thỉnh nguyện, thượng cấp vẫn nhẩn nha: “Cứ từ từ!”. (Có bạn nào biết vì sao thượng cấp này lại đội mũ sinh nhật, thổi kèn giấy, uống champagne, trong một bối cảnh rất “trẻ con” không?)

5. Bản thân Snowden cũng sợ bị chính quyền Hong Kong bắt. Theo tờ Wall Street Journal, quyết định rời Hong Kong của anh này diễn ra rất nhanh, chỉ một ngày trước khi khởi hành. Chính Assange – ông chủ WikiLeaks – khuyên Snowden nên rời Hong Kong sớm kẻo bị chính quyền nơi này giữ lại. Theo tiết lộ của một người thân, nghe thế Snowden lo lắm, vì bị bắt thì sẽ không vào được Internet – mối liên lạc sống còn của anh với phần còn lại của thế giới! Trong hí họa này của Dave Granlund, Assange và Snowden tổ chức một show diễn, Assande hỏi: “Vậy quý vị có thực sự tin là đằng sau những gì anh ấy nói có bàn tay của tôi không?” Có bàn tay của Assange không thì không biết, nhưng chắc chắn Assange rất quý Snowden, và đã khuyên Snowden nên chọn các nước Mỹ Latin mà tị nạn, vì đó là những nơi “an toàn và biết thúc đẩy nhân quyền”.

 
6. Và thế là, trong khi Mỹ đang bối rối thì Snowden bất thần bí mật rời Hồng Kong sang Nga. Vừa tới sân bay quốc tế Sheremtyevo của Nga thì Mỹ hủy hộ chiếu của Snowden, khiến cựu điệp viên này bị kẹt lại tại khu vực quá cảnh sân bay. Chỉ làm được đến thế nhưng chưa tóm được kẻ “phản bội” nên Mỹ rất cú cả Trung Quốc và Nga, cho rằng Trung Quốc cố tình để Snowden rời Hong Kong, còn Nga thì chứa chấp. Trong bức hí họa này của Shreyas Navare, thần Tự do Mỹ hung hãn thúc giục: “Không ai bắt nó cho ta sao?”, khi con chuột Snowden quắp chiếc hamburger từ  đĩa của thần, phóng chạy ngang bàn Tàu, bàn Nga, và từ đó nhảy đi tiếp. Tay Nữ thần vẫn ôm máy nghe lén, dưới gầm bàn của Nga và Trung Quốc đều có người nghe lén…

7. Các nhà phân tích đoán rằng việc Snowden bị kẹt lại ở sân bay Nga là một cơ hội bằng vàng cho giới chức tình báo Nga khai thác thông tin mật từ cựu điệp viên này. Trong căn phòng hỏi cung, với ảnh Putin treo tường, kính một chiều có camera, một nhân viên Cục phản gián Liên bang Nga bảo Snowden: “Nào, hãy kể thêm cho chúng tôi về chương trình nghe lén kinh khủng ấy đi!” (Tranh: Jamil M. Shawwa)

8. Snowden nộp đơn xin tị nạn ở Nga, nhưng tổng thống Nga V.Putin, đúng là dân tình báo lõi đời, đã ra điều kiện để Snowden có thể ở lại là nếu anh này ngừng tiết lộ những thông tin làm hại “đối tác” Mỹ. Với tuyên bố khôn khéo này, V.Putin vừa khiến Mỹ không trách được, vừa không làm phật lòng những người ủng hộ Snowden, vừa làm cho Snowden cụt hứng, hủy đơn xin tị nạn tại Nga.

9. Đã có vô số giả thuyết về nơi Snowden sẽ xin tị nạn, trong đó có quốc gia Mỹ Latin là Ecuador – nơi chứa chấp Assange của Wikileaks. Biếm họa này của Danziger mô tả Snowden đang nhảy từ một chiếc máy bay của hàng không Nga Aeroflot sang một máy bay của Ecuador, tức chọn Ecuador để đi tị nạn. Nhưng Ecuador đã từ chối.

 
10. Trước mắt Snowden đâu đâu cũng cạm bẫy, chỉ còn những miếng pho mát trong bẫy chuột. Đâu đâu cũng là hiểm họa rình rập viên cựu điệp viên Mỹ. Đã có lúc, trong số những cái bẫy ấy, Snowden chọn một cái bẫy có vẻ “đỡ” hơn là Đức – một nước mà chính anh cũng biết là “chung giường” với Mỹ trong chương trình do thám. Tuy nhiên, Đức cũng từ chối đơn xin tị nạn của Snowden… (Tranh: Marian Kamensky)

11. Snowden thì loay hoay tìm nước tị nạn. Mỹ thì loay hoay bắt Snowden. Trong hí họa này của Jack Ohman, hai viên chức Mỹ đang bàn luận với nhau. Một ông khoe: “Với công nghệ trị giá hàng ngàn tỷ dollar này, chúng ta có thể làm được mọi thứ”. Ông kia tiếp lời: “Ngoại trừ việc bắt được Snowden!

12. Giờ thì theo tờ Salon, Snowden đang cân nhắc tị nạn tại một trong ba quốc gia Mỹ Latin (trớ trêu thay, lại là những nước rất tệ về internet): Venezuela khá nhất trong đám, 40% dân số có internet; Bolivia là 30%, và Nicaragua thì chỉ 10.6%. Trong biếm họa này của Steve Bell, máy bay chở tổng thống Evo Morales của Bolivia đã bị chiếc vòi tai kéo dài lôi xuống (vì Mỹ nghi có chở theo Snowden sau khi Morales đi họp ở Moscow về). Đến chuyên cơ của tổng thống mà nghi chở Snowden còn bị giữ, nữa là máy bay dân dụng. Cho nên dù Snowden có đạt được thỏa thuận tị nạn với Venezuela, việc tới được nước này cũng là cả một vấn đề: hộ chiếu Mỹ của Snowden đã bị hủy, các nước đồng minh của Mỹ có thể từ chối cho bất kỳ chuyến bay nào nghi chở Snowden bay qua không phận mình.

13. Chính hoàn cảnh khó khăn đó đã chia thế giới làm hai phe quanh việc theo dõi số phận của Snowden. Trong hí họa này của Walt Handelsman, Snowden như người đi dây trên vực, một bên là những người chỉ muốn anh dấn tới (xem mọi việc ra sao), một bên là những người chỉ muốn anh ngã xuống mà chết đi.

14. Nhưng dù thế nào, điều mà ai cũng chắc chắn là nếu để rơi vào tay Mỹ, số phận của Snowden sẽ như bức hí họa sau: trong đêm thanh vắng, tổng thống B.Obama một đầu, ngoại trưởng John Kerry một đầu chiếc xe thường dùng chở xác, trên đó là Snowden bị trói chặt, đưa vào một nơi thoạt nhìn tưởng là căn phòng ở, với tủ quần áo (thật ra chỉ là một bức vách giả), một cái giường (nhưng nằm lên đó thì nóc giường với chông nhọn sẽ cắm phập xuống). Kerry cười đầy âm mưu, Obama dặn Snowden: “Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn cho ông căn phòng này, thưa ông Snowden. Nếu có cần gì, ông cứ thét lên!” Đúng, chỉ còn có nước “thét lên”.

Mặt tròn xoe
(bình luận)