Trang

Thứ Bảy, 5 tháng 10, 2013

BÀI THƠ TIỄN ĐƯA ĐẠI TƯỚNG -Song Thu và bè bạn

                 




Vĩnh biệt Người...


Người trở về nơi Người đã sinh ra
Nơi cát sỏi một ngôi nhà tiên tổ
Có nhà thờ miếu quê nho nhỏ
Chùm khế xanh chĩu chịt ngóng Người về

Người trở về với gió biển hương khê
Ngăn sóng dữ ba bốn bề yên ấm
Đã trăm năm đắp xây nên nghiệp lớn
Chấn động Tây- Đông, tỏa sáng nghĩa đời

Vĩnh biệt Người- Đại Tướng kính yêu ơi
Vĩnh biệt Cha - ngời ngời nhân cách Việt
Dẫu đi xa- muôn ngàn lần bất diệt
 Thanh thản-ung dung
  Chúng con nín lặng
trong tận cùng... 
tiếc thương.




  Siêu thoát


ST xin cảm ơn các anh chị, bè bạn đã cùng ST chia sẻ nỗi đau chung. Chúng ta thấy gần nhau hơn trong khoảnh khắc này! 
8-10-2013




-------------------------


  1. NGƯỜI về nằm đất quê hương
    Bỏ lại quá khứ chính trường sau lưng
    Ngàn năm danh tiếng lẫy lừng
    Ngàn năm dân tộc ANH HÙNG ngợi ca


  2. Người về với quê cha ,đất tổ.
    Để lại sau lưng quá khư huy hoàng
    Mọi vinh danh,với hào quang.
    Để nằm mãi nơi làng quê gió cát !


  3. Tiễn Người về với tổ tiên,
    Vĩ nhân-danh tướng giữ yên đất này,
    Đất đón Người về hôm nay,
    Rạng danh đất nước có tay của Người



    Người về nằm giữa lòng quê
    Tám phương gió ngát bốn bề hương thơm !
     



    Nghe tin đại tướng ra đi
    Trong lòng như nghe tiếng sét chị ơi
    Xin nghiêng mình kính cẩn chào người
    Nơi miền xa thẳm bình an cõi lòng


    Trần công Thanh gửi qua email:

    Dẫu là anh Văn hay Đại tướng
    Quyết một lòng giành, giữ non sông
    Chiến công hiển hách lưu muôn thủa
    Nghĩa Đảng tình dân giữ vẹn tròn!
    ( Trong bài: Mừng bác Giáp vào tuổi 100)




    Đỗ Đồng Phạm 17:44 06-10-2013

     CỔ THỤ

    Không phải cây nào cũng trở thành cổ thụ
    Bão giông mới biết
    Cây nào...

    ĐAU THƯƠNG
    Đau thương cho ta khăn trắng
    Đau thương này cho ta lệ hồng...
    Người không bao giờ ra đi.


    SÁNG MÃI TÊN
    ( Kính viếng hương hồn Đại Tướng Võ Nguyên Giáp)

    Đại Tướng trở về cõi Phật Tiên
    Tiếc thương trải rộng khắp trăm miền
    Đời Người rạng rỡ hồn dân tộc
    Công trạng lẫy lừng trận Điện Biên
    Nam Bắc xum vầy dân thống nhất
    Đông Tây hội nhập nước bình yên
    Năm châu bốn biển đều khâm phục
    Lịch sử muôn đời sáng mãi tên.

    Bùi Nguyệt
    Chemnitz – CHLB Đức




    Buộc dải băng tang lên lá cờ tổ quốc
    Lòng nghẹn đau như thắt dải tang cha
    Nước mắt chảy như bốn tư năm trước
    Cũng một ngày thu, tiễn biệt BÁC đi xa



    NỖI ĐAU

    Nỗi đau này không thể nói thành lời
    Khi nó đã gắn vào tim óc
    Khi nó là của chung dân tộc
    Héo mòn tận cùng vò nát triệu trái tim

    Khi con người mất mát niềm tin
    Còn chút cuối cùng neo vào Người Vĩ đại
    Rồi Người cũng xa đi không trở lại
    Để bơ vơ buồn cho cả dải non sông!

    Nước mắt ngàn đời ngập tràn nước sông Hồng
    Dòng sông Mẹ ấp ôm muôn huyền thoại
    Dòng sông Mẹ nuôi mùa vàng hoa trái
    Việt nam ơi!
    Bao giờ hết thương đau?!

    Dòng sữa mẹ Âu Cơ trộn nước mắt dòng sâu
    Chảy vô tận tháng ngày cuộn sóng
    Người ta xé rừng, người ta băm ruộng
    Chặn ngọn nguồn, chia sẻ biển xanh trong...

    Nỗi đau này...
    Đất nước nuốt vào lòng
    Nghẹn lưng chừng trời thu tháng Tám

    KÍNH CHÀO NGƯỜI : ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP
    _ BỨC TƯỢNG ĐÔNG THẾ KỶ _
    CỦA NIỀM TIN! 




    Người đã đi xa
    Để lại nỗi tiếc thương vô hạn cho đất nước ta
    Cho dân tộc ta
    Ôi người Cha vĩ đại
    Một tấm gương sáng trong
    Cuộc đời hơn trăm năm

    Con đã gặp Người ngày ấy
    Người xoa đầu con, nở nụ cười trìu mến
    Dặn dò con phải báo hiếu với tổ tiên
    Phải sống sao cho xứng người Việt Nam

    Nay Người về cõi xa xăm
    Thành ngôi sao sáng trong dải ngân hà
    Lung linh
    Một niềm tin
    Bất diệt.
                

    Cái chết là bắt đầu sự sống
    Người ra đi kinh động toàn cầu
    Toàn dân nhớ tiếc thương đau
    Một nhân cách vĩ đại, một tướng tài.
     

Những bức ảnh lịch sử về Đại Tướng

Những bức ảnh lịch sử về Đại tướng Võ Nguyên Giáp 

Lao Động - 04-05/10/2013 06:51
 



Đại tướng đầu tiên, Tổng Tư lệnh tối cao Quân đội Nhân dân Việt Nam Võ Nguyên Giáp đã qua đời chiều nay tại Viện Quân y 108 khi ông vừa qua tuổi 103. Nhằm tưởng nhớ tới Đại tướng, Lao Động xin trân trọng gửi đến đọc giả những bức hình đánh dấu những mốc quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp của ông.
Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25/8/1911 ở làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình trong một gia đình nhà nho.
Năm 1925, Võ Nguyên Giáp rời trường Tiểu học Đồng Hới ở quê nhà Quảng Bình để vào Huế ôn thi vào trường Quốc học Huế (ông đỗ thứ hai sau Nguyễn Thúc Hào).
Tháng 4.1927 tại trường Quốc học Huế lại diễn ra một cuộc bãi khóa rầm rộ với quy mô lớn. Nguyễn Chí Diểu bị tên giám thị Pháp chú ý, coi là kẻ cầm đầu những cuộc đấu tranh bãi khóa ở trường, nên đuổi học. Võ Nguyên Giáp liền bàn với Nguyễn Khoa Văn tiếp tục tổ chức bãi khóa để phản đối việc Diểu bị đuổi học.
Cuộc bãi khóa của học sinh Trường Quốc học Huế lan rộng ra khắp các trường ở Huế và phát triển thành cuộc tổng bãi khóa. Võ Nguyên Giáp bị bắt rồi bị đuổi học, phải trở về quê nhà.

Mùa hè năm 1928, Võ Nguyên Giáp trở lại Huế, bước vào đời của một chiến sĩ cách mạng.


Do ủng hộ Xô Viết Nghệ tĩnh trong phong trào Cứu tế Đỏ, Võ Nguyên Giáp bị thực dân Pháp bắt giam ở nhà lao Thừa Phủ (Huế) tháng 10.1930.


Đại tướng và phu nhân, bà Quang Thái trong một lần chụp ảnh tại Hà Nội. Bà là người vợ đầu của tướng Giáp, là em nhà cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai và là thân mẫu của tiến sĩ Võ Hồng Anh. Bà Thái sinh năm 1915, hy sinh năm 1944.


Tư lệnh Việt Nam Giải phóng quân Võ Nguyên Giáp duyệt binh lần đầu tiên ở Hà Nội ngày 26/8/1945 sau khi giành được chính quyền.


Bức ảnh ông chụp cùng với cha mẹ, con gái Hồng Anh (áo trắng) và các cháu năm 1946.
Năm 37 tuổi (1948), ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh trao quân hàm Đại tướng.


Bữa cơm tại chân đèo Re (phía Định Hóa, Thái Nguyên tháng 10/1948) của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Trường Chinh, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp và Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng Lê Đức Thọ, trước ngày ông Lê Đức Thọ được cử vào Nam Bộ công tác
Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp làm việc tại chiến khu Việt Bắc năm 1949.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp tại Sở Chỉ huy Chiến dịch Biên Giới (1950).


Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng cùng Trung đoàn trưởng Thái Dũng (ngồi bên trái) nghiên cứu sơ đồ tác chiến chiến dịch biên giới.


Năm 1950, trên đường đi chiến dịch biên giới, Đại tướng thăm Chủ tịch Hồ Chí Minh


Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp theo dõi diễn biến chiến dịch Điện Biên Phủ (1954).


Các chiến sĩ thi đua trong Chiến dịch Điện Biên Phủ vui mừng công kênh Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp tại lễ mừng công (ngày 13/5/1954)
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp tiếp ông Kliment Voroshilov, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Xô viết Tối cao Liên Xô ngày 20/5/1957.






Không được đào tạo tại bất kỳ trường quân sự nào trước đó, không phải trải qua các cấp bậc quân hàm trong quân đội, Võ Nguyên Giáp trở thành đại tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam khi tròn 37 tuổi. Ông được công nhận là một trong những nhà quân sự tài giỏi nhất và một nhà chiến lược về chiến tranh nhân dân.
Tướng Peter Mac Donald - nhà nghiên cứu khoa học lịch sử quân sự người Anh - đánh giá: “Từ năm 1944-1975, cuộc đời của Võ Nguyên Giáp gắn liền với chiến đấu và chiến thắng, khiến ông trở thành một trong những thống soái lớn của mọi thời đại. Với 30 năm làm tổng tư lệnh và gần 50 năm tham gia chính sự ở cấp cao nhất, ông tỏ ra là người có phẩm chất phi thường trong mọi lĩnh vực của chiến tranh. Khó có vị tướng nào có thể so sánh với ông trong việc kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy. Sự kết hợp đó xưa nay chưa từng có”.
Lao Động xin trân trọng giới thiệu đến độc giả những hình ảnh gắn liền với những bức ảnh lịch sử về Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong giai đoạn từ năm 1965 đến năm 2001:

Cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Phạm Hùng với Đoàn đại biểu anh hùng, chiến sĩ thi đua các lực lượng vũ trang Quân Giải phóng miền Nam ra thăm miền Bắc (11.1.1965).
Khen ngợi nhân dân địa phương và anh chị em công nhân Đội vận tải thuyền sông Gianh (Quảng Bình) đã góp phần tích cực vận chuyển hàng ra tiền tuyến (1968).
Thăm thương binh, bệnh binh ở Viện Quân y 108 nhân Ngày Thương binh-Liệt sĩ năm 1969.
Đại tướng-Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp duyệt phương án đánh B.52 của Mỹ tập kích vào Hà Nội năm 1972 tại Sở chỉ huy Quân chủng Phòng không-Không quân.
Đại tướng đi kiểm tra vùng biển Quảng Ninh sau chiến dịch rà phá thủy lôi thành công (tháng 3.1973). Trên boong tàu hải quân, Đại tướng khẳng định: "Quyết tâm bảo vệ toàn vẹn vùng biển, hải đảo của tổ quốc".
Cùng Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên và Chính ủy Đoàn 559 Đặng Tính nói chuyện tại một lán rừng Trường Sơn (tháng 3.1973).
Thăm đơn vị lão dân quân Hoằng Hóa (Thanh Hóa) - đơn vị bắn rơi máy bay Mỹ bằng súng trường - tại lễ duyệt binh nhân ngày Quốc khánh 2.9.1973.
Đại tướng thăm bộ đội xe tăng.
Đại tướng chụp ảnh cùng Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Leonid Brezhnev (giữa) và Nguyên soái Dmitriy Ustinov.
Đại tướng đang theo dõi diễn biến Chiến dịch Hồ Chí Minh (tháng 4.1975). Trong ảnh, từ trái sang phải: Đại tá Lê Hữu Đức (Cục trưởng Cục Tác chiến), Thượng tướng Hoàng Văn Thái (Phó Tổng Tham mưu trưởng), Thiếu tướng Vũ Xuân Chiêm (Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần), Thượng tướng Song Hào (Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị), Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Tổng Tư lệnh-Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bí thư Quân ủy Trung ương), Trung tướng Lê Quang Đạo (Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị).
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên-Huế (4.1976).
Thăm Trung tâm Huấn luyện Gagarin, Liên Xô (tháng 7.1980). Trong ảnh, từ trái sang phải: Anh hùng Phạm Tuân, phi công vũ trụ Bùi Thanh Liêm, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, Tham tán Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô Vũ Khoan, Đại tướng Võ Nguyễn Giáp.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trò chuyện với Chủ tịch Fidel Castro trong chuyến thăm Cuba.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert McNamara thăm Việt Nam (9.11.1995). Nhân dịp gặp các phái đoàn Mỹ, Đại tướng đã giải thích cho họ hiểu rõ hơn về chiến tranh nhân dân Việt Nam: "Vị tướng giỏi nhất Việt Nam là nhân dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam. Người Mỹ thua Việt Nam bởi vì chưa hiểu vị tướng ấy".


Giáo sư-Anh hùng Lao động-nhà văn hóa Vũ Khiêu đến thăm và chúc sức khỏe Đại tướng tại nhà riêng, năm 2001.



                                                                                                        Lao Động - 04-05/10/2013 06:51