Trang

Thứ Năm, 23 tháng 7, 2015

Lại nói chuyện Hoa Nhài...



Làm xong bài thơ, đăng lên, ST mới giật mình... Liều quá! Loài hoa đáng yêu thế chắc chả "thoát khỏi" ngòi bút của các nhà thơ ...Vậy mà mình dám...

Vào ông Gù mới thấy thật đa dạng các bài viết về lòai hoa này. Song Thu cóp ra đây một vài bài, dông dài, cụ nào có thời gian đọc chơi  nhé:


1- Về sự tích  hoa nhài:

Chuyện kể rằng:
"Từ thuở xa xa, tất cả các loài hoa đều có màu trắng. Nhưng một ngày kia có một hoạ sỹ đã đến khu vườn mang theo một hộp to đựng các loại mực màu và một nắm bút lông. Chàng nói với các loài hoa và các khóm hoa:  
- Tất cả hãy lại gần ta và nói cho ta biết ai thích màu gì. 
Lập tức các đám hoa và cây cối trong vườn bèn đứng vào chỗ theo hàng lần lượt, bởi vì loài nào cũng muốn chọn cho mình thứ màu rực rỡ nhất. Chỉ có Nhài là đứng gần hoạ sỹ hơn cả. Nó nói rằng, nó muốn hoa của nó phải có màu vàng vàng như màu của tóc của thần Mặt Trời mà nó hằng yêu mến. 

Sự tích hoa Nhài

- Mi dám cả gan len lên trước nữ hoàng Hoa Hồng? - hoạ sỹ đẩy Nhài sang một bên. 
- Tôi không hề len lách, tôi từng đứng ở đây nhiều năm rồi, - Nhài tức giận đáp lại. 
- Nhưng mi cần phải hiểu rằng, ai là ngời có quyền được đứng lên hàng đầu - Hoạ sỹ giải thích - Mi phải chịu hình phạt đứng cuối và muốn gì thì phải xin ta.  
- Ngài nhầm rồi, thưa ngài, tôi sẽ không cầu xin ai hết - Nhài trả lời và vẫn đứng yên tại chỗ cũ. 
.....
Các loài hoa đều xin chàng họa sỹ những màu sắc ưa thích. Chỉ có hoa nhài bướng bỉnh không cầu xin  và không chịu cúi đầu ...thế là nhài vẫn mang màu trắng muốt như ngày nay!


Lời bình của ST: Không ngờ nhài mảnh mai thế mà có khí tiết cứng cỏi vậy. Không nên " trông mặt mà bắt hình dong" nha!  Ngày nay hầu hết các lòai nhài mà ta thấy thấy đều có màu trắng. Riêng một số lòai ở các châu lục khác có thể có màu tím  hồng như bức ảnh dưới đây...


Hoa tử đinh hương
Nguồn: Hoa Sài gòn


2- Vẻ  đẹp của hoa nhài:

Nhiều bài viết về vẻ đẹp của Nhài, ST xin trích lời của cố nhà thơ kiêm nghệ sĩ của cây cảnh và hoa – ông Đặng Tiến Nam, một người Hà Nội tài hoa:

“Từ ngàn xưa, từ các vương tôn công tử, các học giả, sĩ phu khắp chốn cung đình đến người dân nơi thôn dã ai ai cũng biết sử dụng hoa nhài để ướp trà… Ở đâu, nhài cũng sống giản dị, chẳng đòi hỏi gì, chỉ cần có đất, nước và khí trời. Một cuộc sống thầm lặng nép mình nơi bờ rào, ven lối đi, hoặc vạt đất thừa dưới ô cửa sổ, lầm lũi như hoa ngàn cỏ nội. Nhài cần mẫn như con tằm rút ruột nhả tơ, chắt chiu từng sợi nắng, giọt mưa, để rồi cống hiến bao hương sắc cho đời.

Bông nhài tròn trịa, xinh xắn một màu trắng tinh khiết đâu kém dung nhan của bông mai, bông đào. cấu trúc của bông nhài đầy đặn phúc hậu. Từ lúc hàm tiếu đến lúc mãn khai, lúc nào cũng khư khư phong nhụy, như một cô gái đẹp tự thân không trang điểm, khôn khéo biết bảo vệ sự trinh trắng của mình..."
( Theo Nguyễn anh Tuấn )


3- Quan niệm dân gian về Hoa Nhài:

Người Việt Nam có hai loài hoa không dùng để thờ là hoa nhài và hoa quỳnh. Hoa quỳnh tượng trưng cho bóng tối (vì chỉ nở về đêm) nên không ai thờ. Còn hoa nhài thì là loài hoa lẳng lơ (lẳng lơ như hoa nhài) nên cũng không có ai thờ. 
Dân gian có câu "Lẳng lơ như hoa nhài, ầm ĩ như hoa bưởi, đài các như hoa thuỷ tiên".
Người xưa chơi hoa thường chuộng hương hơn chuộng sắc, đối với những loài hoa lộng lẫy nhưng thiếu hương thơm các cụ chê là hữu sắc vô hương. Tuy nhiên cũng có những loại hoa hương rất thơm nhưng lại không được ưa thích, trong đó có hoa Nhài. Người ta cho rằng hoa nhài thuộc dạng lẳng lơ, mùi hương chỉ thơm ngát về đêm, lưu lại khá lâu dù chỉ thoang thoảng. 
( theo Nguyễn văn Tiêu)


Lời bình của ST. Hoa nhài là loài hoa nở về đêm. Nhưng có nhiều loài hoa cũng nở đêm. Hoa quỳnh, hoa sói, hoa dạ hương...chẳng hạn. Vì sao người ta lại gán cho nhài một thân phận "đĩ thõa" "gái lầu xanh" như vậy. ST cho rằng phải chăng đó là định kiến, là quan niệm của nho giáo hay tầng lớp trên trong xã hội ngày xưa. Đối với tầng lớp bình dân, hoa nhài vẫn thân thiết, mộc mạc giản dị, đáng yêu như vẻ nó vẫn thế...



4. Những bài thơ hay về Hoa Nhài:

Có lẽ có nhiều bài thơ hay về hoa nhài. Trong tay ST chỉ mới có hai bài. Một  của nhà thơ Xuân Diệu, hai là  của nhà thơ Nguyễn nguyên Bảy
Mời mọi người cùng thưởng thức 


1-Hoa đêm

    Xuân Diệu


Chen lá lục, những búp lài mở  nửa
Hớp bóng trăng đầy miệng nhỏ xinh xinh
Vì gió im và đêm cứ làm thinh
Đoàn giây phút cũng lần khân, nghỉ đã
Trăng ở đó, đất vườn thêu bóng lá
Trời trên kia vàng mạ, sáng như băng
Lá lim dim trên mấy ngọn bằng bằng
Cánh lả lả chờ tay ai đón đẩy
Ôi vắng lặng! - Trong giờ mơ ngủ ấy
Bông hoa lài thức dậy sáng từng đôi
Hoa lài xanh dưới ánh nguyệt tuôn trời;
Ánh nguyệt trắng trên hoa lài đúc sữa.
Sao họ khéo nõn nà mà bợ ngợ
Những nàng hoa chờ đợi gió phong lưu!
Đáng yêu thay trong vẽ khẽ nghiêng đầu
Lá xanh đỡ yêu yêu thân tuyết bạch.
Nguyệt lác đác tiếng nỡ giòn lách tách
Lòng phơi phơi chừng đợi cái ong châm....
Miệng thở ra hương, hương tỏa tình ngầm
Hoa kỳ nữ đã mở lời trêu ghẹo...
Chàng gió lạ đi khuya ngoài khuất nẻo
Nghe tiếng thơm liều liệu đến tìm hương
Cánh du lang tha thướt phấn qua tường;
Áo công tử dải là vương não nuột.
Này hoa ngọc đã giật mình trắng muốt
Thoảng tay tình gió vuốt - bỗng lao đao...
Hương hiu hiu bên gió cũng ngạt ngào
Hôn nho nhỏ mà đầu hoa nặng trĩu.
Là màu sắc hay chỉ là âm điệu?
Là hương say hay ấy chính rượu thơm?
Gió canh khuya hay nghìn cánh tay ôm?
Trăng mối lái phủ màng tơ mơ mộng...
Gió chắp cánh cho hương càng tỏa rộng
Xốc nhau đi vào khắp cõi xa bày...
Và hương bay, thì hoa tưởng hoa bay...



2-Hoa Nhài
Nguyễn nguyên Bảy


Ướp trà em. Cài tóc em. Mà vẫn khinh em. Hoa nở đêm.
Nhưng em vẫn nở đêm. Tắm mình trăng. Tắm mình sương. Cho ngon trà. Cho ngọt tóc. Em vẫn cứ là em. Hoa Nhài.



ST nói: Có lẽ ST không có nghề (văn chương) nên không dám lạm bàn. Ý nghĩ đầu  tiên đến với ST là : nếu bài Hoa Đêm của Xuân Diệu đầy cảm xúc, nhiều chất thi ca thì bài của NNB lại thể hiện kỹ thuật làm thơ thật là điêu luyện. Nếu bạn đọc quan tâm mời đọc trong: 
http://vanthoviet.com/news/n/499/210/lam-ban-ve-hoa-nhai-sau-khi-doc-tho-nguyen-nguyen-bay-nguyen-anh-tuan.html?l=vn



Xin cám ơn!