Trang

Thứ Năm, 8 tháng 8, 2013

Ấn tượng trong tuần: Hiệp sĩ nhường áo phao cứu người...

ST: Trong cuộc sống hôm nay cái thiện vẫn nhiều hơn cái ác...Cảm động khi nghe câu chuyện anh Hiệp, hy sinh cứu người. ST mở chuyên mục Ấn tượng trong tuần ghi chép và chia sẻ cùng bạn bè

Xót thương "hiệp sĩ" nhường áo phao cứu người

Xót thương và cảm phục, đó là tình cảm người dân xã Thạch Long, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) dành cho “hiệp sĩ” Trần Hữu Hiệp - người đã nhường áo phao, cứu 4 người khác rồi tử nạn trong vụ chìm tàu trên biển Cần Giờ.


Xin được gọi anh là “hiệp sĩ” bởi nghĩa cử cao đẹp và tinh thần dũng cảm cứu người của anh.


Di ảnh anh Trần Hữu Hiệp.

Chúng tôi tìm về thôn 4, xã Thạch Long, huyện Thạch Thành khi gia đình vừa làm lễ mai táng cho anh Trần Hữu Hiệp (sinh năm 1988). Sau 4 ngày kể từ lúc gặp nạn, 9h sáng 6/8, thi thể anh Hiệp đã được đưa về quê nhà. Mấy ngày nay, kể từ khi nghe tin anh Hiệp gặp nạn, bạn bè làng xóm luôn túc trực bên những người thân của anh để động viên, an ủi. Người dân xót thương và cảm phục trước tinh thần dũng cảm, sẵn sàng nhường mạng sống của mình lại cho người khác của anh Hiệp. Trước lúc ra đi, anh đã quên mình cứu những người cùng gặp nạn với mình trên con tàu bị chìm.


Mẹ anh Hiệp kh
ông còn đủ sức đứng dậy từ khi nghe tin con gặp nạn.

Gia đình ông Trần Hữu Trọng (sinh năm 1957) và bà Nguyễn Thị Thìn sinh được 3 người con, anh Hiệp là con út trong gia đình. Sau khi học xong Cao đẳng Hóa chất Phú Thọ, anh Hiệp làm việc ở Hà Nội rồi sau đó vào Đà Nẵng. Năm 2011, anh Hiệp xin vào làm ở Công ty cổ phần sản xuất ống thép dầu khí Việt Nam. Đi làm xa, anh Hiệp sống tằn tiện để gửi tiền về quê giúp bố mẹ.

Nhìn di ảnh người con trai sau làn khói hương nghi ngút, ông Trọng nghẹn ngào kể: “Cháu làm việc ở công ty thi thoảng có gọi điện về cho bố mẹ, lần nào cháu cũng động viên bố mẹ làm ít thôi, phải giữ gìn sức khỏe. Trước lúc gặp nạn, anh trai cháu có gọi điện thông báo cuối năm cưới vợ, cháu nói sẽ cố gắng làm việc kiếm tiền giúp đỡ anh. Sau đó hai ngày thì gia đình nhận được tin cháu mất tích”.


Ông Trọng thẫn thờ khi nghĩ về con trai của mình.


“Hôm đó, hai vợ chồng tôi xem ti vi, có nghe về vụ chìm tàu, nghe rứa chứ chưa biết tin con mình gặp nạn, sau đó mấy phút thì nhận được điện thoại, mẹ cháu nghe máy xong la lên thằng Hiệp mất rồi. Gia đình bàng hoàng... ”, ông Trọng kể tiếp.

Cô Tào Thị Hoạt, mợ của anh Hiệp, ngay khi nhận hung tin đã bắt xe xuống hiện trường ngóng tin cháu. “Lúc tôi ra đến nơi nghe mọi người kể lại cháu mình trước khi mất đã nhường áo phao lại cho một phụ nữ mang thai. Nhưng sau đó người phụ nữ này cũng không qua khỏi vì mắc kẹt trên ca nô. Cháu nó còn cứu thêm ba người, hai nam và một nữ, nữa. Lúc đưa thi thể cháu về nhà xác, có một người phụ nữ đến khóc lóc và nói được cháu Hiệp cứu sống. Tôi nghe mọi người kể lại, sau khi cứu được người phụ nữ Hiệp còn quay ra cứu người khác nhưng sau đó đuối sức và chìm luôn”.

Chú Trần Hữu Đạo (chú họ anh Hiệp) chia sẻ: “Sinh ra một người con và nuôi lớn cũng vất vả, nhưng mạng đổi mạng của cháu là một nghĩa cử cao đẹp, con cháu suy nghĩ thế, thấy bạn bè gặp nạn ra tay cứu giúp đó là một vinh dự cho gia đình có một người con đã trưởng thành. Ở nhà, Hiệp hiền lắm, vì hiền và ngoan nên cháu có rất nhiều bạn bè, ai cũng thương khi biết tin cháu gặp nạn”.



Anh trai Hiệp đau đớn trước sự ra đi của em.


Anh Trần Hữu Điệp, anh trai Hiệp cũng rời quê đi làm ăn ở Hà Nội, hôm nhận được tin em gặp nạn, anh không kịp báo nghỉ vội chạy bộ ra bến xe để bắt xe về quê. Trong nỗi xót thương em, anh Điệp tâm sự: “Nghe tin em gặp nạn, tôi rất đau xót, mới mấy ngày trước tôi có gọi điện, hai anh em nói chuyện với nhau, em còn nói cố gắng làm vài năm nữa mới tính chuyện gia đình...”.

Duy Tuyên