Trang

Thứ Sáu, 24 tháng 1, 2014

Thử xem Tranh Ngựa Việt

  •  

    NGỰA TRONG TRANH CỦA CÁC HỌA SĨ VIỆT NAM

     


    NGUYỄN TƯ NGHIÊM - Thánh Gióng. 1990. Sơn mài. 190x120cm


    Mùa xuân mới về là lúc mọi người cùng nhau hưởng những giờ phút thư thái, vui xuân và thưởng thức nghệ thuật. Trong không khí xuân năm Ngọ, chúng ta cùng ngắm tranh vẽ ngựa của một số họa sỹ Việt Nam.

    Ngựa là loài vật rất được yêu thích và ngựa cũng là nguồn cảm hứng của nhiều họa sỹ Việt Nam. Mỗi người họa sỹ lại có những cách tạo hình khác nhau với hình tượng ngựa để thể hiện trong các tác phẩm của mình.

    Đầu tiên ta phải kể đến tạo hình ngựa của hoạ sỹ Nguyễn Tư Nghiêm. Với kiến thức uyên bác về vốn cổ dân tộc, sự kết hợp tài tình nét truyền thống dân dã của điêu khắc đình làng pha trộn khuynh hướng lập thể tổng hợp của châu Âu; các tác phẩm của ông tưởng đơn giản nhưng lại rất tinh tế, vừa truyền thống lại vừa hiện đại. Đặc biệt là qua những tác phẩm có đề tài Gióng, ta thấy hàm chứa trong đó cả một bản sắc văn hoá của Việt Nam.

    Ông Gióng là đề tài Nguyễn Tư Nghiêm chú trọng hàng đầu trong sự nghiệp lao động nghệ thuật của mình. Ông đã dành nhiều thời gian và tâm trí sáng tạo với hơn 30 bức bột màu, sơn dầu, sơn mài trong hơn 20 năm ròng rã. Khi nói đến hội họa Nguyễn Tư Nghiêm là phải nói đến "Ông Gióng" và hình tượng ngựa Gióng in đậm vào trong lòng người yêu nghệ thuật như một hình tượng đẹp, điển hình của nghệ thuật Nguyễn Tư Nghiêm.

    Bằng bút pháp diễn tả độc đáo, nét khắc họa khái quát, ngôn ngữ cách điệu ước lệ, tinh tế công phu; giản dị mà chắt lọc; táo bạo mà lại rất phóng khoáng, hình tượng ngựa Gióng của ông khiến người xem kinh ngạc, lý thú bởi sự hư ảo, ẩn hiện như hai hay một, có lúc rõ 4 chân, có khi 8 chân, 12 chân hay nhiều hơn nữa chúng rất lung linh, huyền ảo trong hoà sắc đỏ đen truyền thống sơn mài.
    Vào đầu tháng 11 năm 2013, bức tranh sơn mài “Gióng” của họa sỹ Nguyễn Tư Nghiêm đã được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam lựa chọn sang Vương Quốc Anh triển lãm để giới thiệu với công chúng quốc tế về nền Mỹ thuật đặc sắc của Việt Nam. Điều này chứng tỏ tác phẩm “Gióng” của ông có giá trị thẩm mỹ và văn hóa cao rất được thế giới trân trọng.




    LÊ BÁ ĐẢNG - Ngựa. 1988. Sơn dầu


    Còn với Lê Bá Đảng, một trong số ít hoạ sỹ Việt Nam có tên tuổi ở nước ngoài, hiện đang sống ở Pháp. Tác phẩm của ông mang đậm sắc thái dân tộc. “Giấc mơ về Việt Nam” của ông là những nấc thang dẫn đến quan điểm triết lý và khái niệm triết học của ông về nghệ thuật. Đề tài ông vẽ lấy chủ đề nhân loại và vũ trụ, không gian, con người và trời đất, cõi thiền, cõi mơ… đến cây đa, hạt gạo giản dị và gần gũi. Tạo hình trong tranh Lê Bá Đảng rất cô đọng, hầu như không có hình. Ông sử dụng gam màu của ánh sáng và đêm tối, có lúc rực rỡ, có khi trầm ấm, chắc khỏe, có độ sâu, độ rung, độ ngân đầy cảm xúc và sức sống. 


    Nghệ thuật của ông luôn trở nên tối giản trong tạo hình bởi chúng nằm trong tinh thần, trong hồn cốt nhưng bao hàm trong đó là điều gì rất lớn, tượng trưng cả vũ trụ, mây gió và tạo hoá trong quan niệm phương Đông. Vì vậy, tạo hình ngựa qua nét bút của ông thật khác lạ. Nếu nhìn thoáng qua thì không thấy rõ là ông vẽ ngựa. Màu sắc được chọn lọc với gam màu xanh đa sắc. Nếu nhìn kỹ ta sẽ thấy nhiều sắc màu làm nên giá trị tinh tế hòa quyện cùng phong cách điêu luyện nhưng có sự của cảm xúc rung cảm. Đây là một kỹ năng hội họa đặc biệt hiếm có của một nghệ sỹ tài năng có tên tuổi thế giới.




    LÊ TRÍ DŨNG - Ngựa 13 - 1989, Mực Tàu trên giấy xuyến chỉ



    Ở Việt Nam, Lê Trí Dũng là họa sỹ vẽ ngựa đầy cảm hứng. Ngựa của ông đến với biết bao gia đình qua những bức vẽ, tấm lịch khổ lớn. Ông là hoạ sỹ vẽ rất nhiều ngựa và rất thành công với đề tài này.

    Với hoạ sỹ Lê Trí Dũng, mặc dầu ban đầu ảnh hưởng từ những con ngựa dồn vó trong tranh của ông là những con ngựa của danh họa Hàn Cán (đời Đường-Trung Quốc). Tiếp đến là những con ngựa trong đình làng Việt, những bạch mã, ô mã, rồi những ngựa Gióng của Nguyễn Tư Nghiêm… hàng trăm, hàng nghìn con ngựa như vậy cứ phóng qua tranh của ông nhưng cho đến bây giờ thì bóng dáng những chú ngựa tiền thân cũng chỉ lưu lại đôi chút dấu vết trong tranh ngựa Lê Trí Dũng. Ông đã tìm được lối tạo hình ngựa cho riêng mình. Tạo hình ngựa của Lê Trí Dũng bay bổng, hào hoa, hào khí ở những nét phóng bút, nhả bút. Đó là dấu ấn cá nhân đặc biệt của riêng ông.

    Chỉ với bút lông, mực tàu, kết hợp một số màu và sự thuộc làu tạo hình ngựa, ông nhấn lướt thật nhanh vẽ hình đuôi và bờm ngựa; rồi ông vê những ngọn bút to nhỏ khác nhau trên thành bát mực để tạo nét, tạo mảng. Thế là một hình con ngựa đang nghiêng mình phi trong gió xuất hiện. Lại thêm những chiếc chuông, chiếc lục lạc và những nét miên man như vô thức khiến con độc mã như đang trong cõi mơ hồ, hư ảo. Đó là thế giới ngựa “riêng” rất thật cũng rất hư ảo của Lê Trí Dũng.

    Từ lâu, nhiều người đã biết Đỗ Đức là họa sỹ chuyên vẽ về miền núi và dân tộc. Nhưng chỉ riêng về ngựa, ông đã là một “chuyên gia”. Gần suốt cuộc đời sáng tác của Đỗ Đức gắn bó với cuộc sống, con người, cảnh vật miền núi. Chất núi rừng đã thấm nhuần vào ông một cách tự nhiên như máu chảy trong huyết quản. Trong tình yêu miền núi ông luôn dành cho con ngựa một tình cảm đặc biệt. Con ngựa là một phần cuộc sống của đồng bào dân tộc. Hình ảnh con ngựa bé nhỏ giữa thiên nhiên hùng vĩ, núi rừng bao la gợi cho Đỗ Đức một nỗi niềm thương cảm cho thân phận đơn côi, lam lũ chẳng khác nào những người chủ của chúng. Vì vậy ông đưa ngựa vào trong tranh với một tình cảm thương mến.





    ĐỖ ĐỨC - Nắng chiều. Sơn dầu



    Quan sát nhiều, ghi chép rất cụ thể nhưng khi vẽ Đỗ Đức không cần dùng mẫu. Ông thuộc lòng con ngựa đến mức chỉ hình dung trong đầu là tự khắc con ngựa hiện ra nét bút theo ý tưởng của ông. Đỗ Đức mê vẽ ngựa đến mức vẽ cái gì ông cũng đưa hình ảnh con ngựa vào.

    Đỗ Đức tạo hình ngựa theo lối tả thực, thiên về hình, đường nét đơn giản và dung dị. Con ngựa của ông gầy gò bé nhỏ, vừa hiền lành vừa thâm trầm nhưng ẩn chứa bên trong sức sống bền bỉ và dẻo dai chịu đựng.

    Tình cảm Đỗ Đức dành cho con ngựa - con vật có thân phận gần gũi gắn bó với đồng bào dân tộc vùng cao luôn bằng cái nhìn sâu sắc, giàu chất nhân văn của một người nghệ sỹ nặng lòng yêu miền núi.

    Nhiều hoạ sỹ luôn trăn trở đi tìm những hình thái mới lạ, nhưng hoạ sỹ Đỗ Đức lại khiêm nhường, thậm chí ung dung thư thái vẽ như chơi, không cầu kỳ, lắt léo, không tham vọng cao siêu. Ông thành công bởi biết chọn định hướng trong sự bình dị, với hiện thực sống động của chất núi rừng huyền ảo đã thấm vào tâm hồn ông.

    4 họa sỹ với 4 phong cách tạo hình khác biệt cùng những dấu ấn cá nhân để lại đậm nét trong từng đường nét, hình thể, màu sắc của tác phẩm tạo nên sự sáng tạo nhiều sắc diện, điển hình. Điều này được tạo nên từ tài năng, sự hiểu biết, cùng với vốn sống dầy dặn của mỗi cá nhân họa sỹ.

    Hình tượng ngựa trong tác phẩm hội họa của các họa sỹ đem đến cho người xem một món ăn tinh thần nhiều gia vị với các cung bậc cảm xúc khác nhau trong mỗi tác phẩm chứa đựng yếu tố con người cảnh vật cùng hòa quyện qua bàn tay, khối óc của người họa sỹ.

    Cảm xúc của mỗi người luôn thiêng liêng biết bao khi chúng ta bồi hồi đứng trước giờ phút chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Khi ấy lòng người cùng trời đất hòa làm một đón chào xuân mới sang, hứa hẹn nhiều điều tốt đẹp sẽ đến. Riêng năm Ngọ bao giờ cũng được đặt nhiều hy vọng về tương lai bởi ngựa là biểu tượng về tốc độ phi mã cho tất cả những ước mong.

    Phạm Thu Hương

Share:         LinkHay.com

Mời xem một số bức tranh Ngựa khác của h.s. Lê trí Dũng, người đã vẽ 3000 bức tranh Ngựa và vừa có triển lãm tại Hà Nội