Trang

Thứ Tư, 11 tháng 12, 2013

Chuyện BỐNG VÀ RÙA PIPI






Chẳng hiểu sao Bống lại trở nên thích rùa đến thế. Lúc còn đi mẫu giáo Bống đã từng tuyên bố thích Hổ nhất cơ mà! Lúc ấy Bà ngoại có hơi buồn, nghĩ,  sao Bống lại có thể thích một loài thú rừng hung hãn đến như vậy. Hỏi thì Bống nói,  vì trong chuyện,  hổ bao giờ cũng bị coi là con vật xấu nên Bống thương ...

Còn Rùa- con vật được mọi người yêu quý về tính cần cù và kiên nhẫn -thì sao nhỉ?

Câu chuyện bắt đầu từ cái hôm bố đột nhiên mua về một chú rùa vàng, nói là để bắt muỗi trong vườn ! Lập tức việc này trở thành sự kiện lớn, không những trong nhà của Thỏ-Bống mà trong cả cái ngõ nhỏ yên tĩnh ấy!

Thỏ bị rùa thu hút ghê gớm.  Rùa cõng cái gì to thế nhỉ? Sao mai rùa lại có nhiều gân thế? Sao đầu rùa nhẵn  và hay lắc lư vậy? Mải mê ngắm rùa đã đành, gặp bất cứ ai, từ xa, Thỏ đã khoe rối rít : "Con rùa...Con rùa...Bố mua rùa về...bà ạ ( ông ạ, bác ạ, cô ạ, chị ạ, anh ạ... )"  rồi kéo mọi người ra vườn khoe chú  rùa kỳ thú...

Còn Bống thì không tỏ ra thích lắm nhưng lặng lẽ tìm xu hào, cà rốt... đặt vào một chiếc khay đựng  thức ăn đẹp nhất của mình,  mang cho rùa. Bống khẽ khàng nhưng rứt khoát: "Con sẽ gọi rùa vàng là Pipi!"

Kể từ hôm ấy cả nhà cảm thấy như có một thành viên mới trong gia đình. Hình như thành viên này còn gần gũi và được yêu mến hơn cả những chú cá vàng ông nội thả ngoài bể, hơn cả chú chim vàng anh trong chiếc lồng treo ngoài cổng, hơn cả chú cún con bên hàng xóm... Thỉnh thoảng cả nhà lại  lũ lượt kéo nhau ra vườn , bới từng lùm cây, khe đá đi tìm rùa về để ngắm, để chơi ...

Mỗi sáng, trước khi đi học, Bống nhất định phải ngó qua Pipi một tý để chào hỏi. Buổi chiều đi học về, vừa chạm chân xuống đất là chạy nhanh mở tung cổng, đến bên Pipi mà bế mà bồng.  Rồi Bống lật rùa lên xem cái chân nho nhỏ rẫy rẫy ra sao, cái đầu nhẵn nhụi ngọ ngoạy thế nào. Lại lấy ngón  tay vuốt vuốt cái đầu ngồ ngộ bé tí của rùa. Chú rùa Pipi  xem ra cũng thích chí lắm, nhắm tịt hai mắt mơ màng..Hôm nào trời nóng Bống lại thả Pipi xuống bể nước tắm mát, đợi Pipi bơi lội thỏa thích mới vớt lên. Bống bảo bể ngầm và sâu, Pipi là rùa cạn nên không thể trèo lên được...

Pipi hình như cũng yêu chị Bống thì phải. Mẹ bảo, Pipi ăn nhiều nhất là lá xu hào của chị Bống cho và...chả biết vô tình hay hữu ý mà hay bò ra cổng đợi chị đi học về! Có chiều ngóng mãi không thấy, Pipi sốt ruột trèo lên thanh ngang của cái cổng rồi ngã độp xuống đất, nằm chổng vó lên trời...Trông đến là tội!

Thế rồi một hôm Pipi phát hiện lá khô rơi đầy vườn. Có tiếng gì ù ù lạ tai. Cảm giác lành lạnh, rùng mình khi bơi dưới nước...Chắc là mùa đông đến rồi! Làm sao để chị Bống biết là mình lạnh đây? Mặc dầu có chiếc mai to tướng, da cứng như đá  nhưng mình lại chả có áo lông ... nên rét tợn. Ôi,  sao mình không biết nói nhỉ! Mà chị Bống thì vô tình quá cơ, cứ ném mình xuống bể hoài hoài!

Pipi nghĩ mãi . Bỗng nó nhìn thấy một đôi mắt đen sì lấp ló trong hang đất...rồi một cái mỏ nhọn có cắm mấy chiếc lông cũng đen sì hiện ra!Thôi, đích thị là chuột cống rồi. Chú ta cũng rét nên vùi mình trong hang đất đây! Chẳng nghĩ ngợi lâu, Pipi bèn lên đường tìm nơi tránh rét...

Bống đi học về không thấy Pipi ra đón,  lạ lắm, vội đi tìm. Tìm mãi, tìm mãi...Cả ông và bà cùng góp sức tìm mà chẳng thấy đâu. Chắc là Pipi trốn dưới một gốc cây nào đó, thể nào cũng ra, Bống nghĩ. Nhưng ăn cơm chiều xong, trời đã tối mịt, Pipi vẫn chưa về... Sốt ruột, Bống đem đè pin ra soi từng góc cây, viên đá...
Bà ngoại thấy thế bảo: " Thôi đi ngủ đi con ạ. Chắc Pipi lạnh đấy!  Chúng ta phải làm cho Pi một cái hang ấm áp mới được."

Thế là mấy hôm sau, cái chậu cảnh của ông ngoại bỗng vỡ tung ra làm mấy mảnh. Ông cạo hết đất bám, mang sang cho Bống. Một "ngôi nhà" ở góc vườn được dựng lên. Khi mặt trời tỉnh dậy, nheo mắt phát ra những tia nắng rực rỡ, Bống thấy Pipi lấm láp, mình đầy đất, chui từ "ngôi nhà" ra, dáng vẻ như còn đang ngái ngủ lắm...

Bống reo lên sung sướng rồi ra giáng đàn chị thì thầm nói với Thỏ:  "Thì ra, đến con vật cũng cần một mái nhà em ạ...  Đúng là thế mà!" 


                                                                  Xin cám ơn!