Trang

Thứ Sáu, 17 tháng 1, 2014

Tác giả của những bức chân dung bất tử

YOUSUF KARSH 

[​IMG]




  1. Là bậc thầy trong sử dụng ánh sáng, có khả năng thấu hiểu lòng người cùng tâm hồn hướng thiện, Yousuf Karsh đã mang đến sự bất tử cho mọi chân dung mà ông ghi lại.

    Yousuf Karsh (1908 - 2002) sinh ra tại thành phố Mardin nằm ở phía Đông của lãnh thổ Đế quốc Ottoman xưa (nay là Thổ Nhĩ Kỳ). Karsh lớn lên trong giai đoạn thảm sát kinh hoàng người Armenian với 1.5 triệu người chết. Năm 1924, Karsh được gửi đến sống cùng người chú George Nakash ở Canada, một nhiếp ảnh gia. Nakash là người nhìn ra tố chất nhiếp ảnh tiềm ẩn dồi dào trong Karsh, ông gửi Karsh đến học nghề với nhiếp ảnh gia chân dung John Garo ở Boston (Mỹ). 4 năm sau, Karsh trở về Canada để bắt đầu sự nghiệp nhiếp ảnh của riêng ông. Thủ tướng Canada Mackenzie King đã khám phá ra Karsh và cho phép Karsh chụp chân dung của các nhân vật quyền lực. Tên tuổi của Karsh bắt đầu được ghi vào lịch sử trong một lần Hạ nghị viện Canada đón tiếp một nhân vật lớn từ nước Anh, Thủ tướng Winston Churchill.

    Yousuf Karsh và bức chân dung nổi tiếng nhất

    Chân dung Churchill được Karsh chụp vào 30/12/1941, sau khi Churchill diễn thuyết tại Hạ nghị viện của Canada ở thủ đô Ottawa, được dùng làm ảnh trang bìa tạp chí LIFE số ra ngay khi Thế chiến II kết thúc. Đây là một trong những ảnh chân dung nổi tiếng nhất mọi thời đại, cũng là hình ảnh được sao chép nhiều nhất trong lịch sử. Trong dịp kỷ niệm lần thứ 60 của buổi diễn thuyết, Canada cho phát hành tem tưởng niệm Karsh và Churchill trong đó có hình của hai vị này. Vị thủ tướng đã rất tức giận khi ông không được biết trước về vụ chụp ảnh, "Anh chỉ có hai phút. Chỉ thế thôi, hai phút", Churchill búng tay nói với Karsh. Khi ấy, Churchill đang hút cigar và liên tục nhả khói. Sau khi yêu cầu Churchill bỏ điếu cigar không thành công, Karsh rất mạnh dạn bứt nó ra khỏi miệng nhà chính trị uy quyền. Bức ảnh nổi tiếng này chính là nắm bắt được cái khoảnh khắc ấy: Churchill nhìn Karsh như muốn khiêu chiến, hay như muốn ăn tươi nuốt sống Karsh. Điều kỳ diệu xảy ra, sau đó Churchill mỉm cười, bắt tay Karsh và nói, "Anh thậm chí có thể khiến một con sư tử đang gầm bất động để chụp ảnh". Một lời khen ngợi, và đi liền với bức ảnh mang sắc thái thách thức là một bức chân dung vị thủ tướng đang mỉm cười - bức chân dung mà Karsh yêu thích hơn. Về sau Karsh còn có hai dịp khác được chụp chân dung của Churchill.


    [​IMG]
    Bức chân dung hoàn hảo lột tả được vẻ thách thức và tinh thần không thể bị đánh bại của Thủ tướng Anh Winston Churchill. Theo lời khen ngợi của Churchill, Karsh đặt tên cho bức ảnh là "Roaring Lion" - Sư tử đang gầm.



    Yousuf Karsh và món quà thấu hiểu lòng người

    Không chỉ là bậc thầy ở kỹ năng chụp ảnh và sử dụng ánh sáng trong studio, Karsh còn được ban cho một món quà vô cùng quý giá, đó là khả năng nhìn ra bản chất của nhân vật ngay trong chốc lát. "Bên trong mỗi người đàn ông và đàn bà đều có một bí mật được giấu kín, với tư cách là một nhiếp ảnh gia, tôi có nhiệm vụ khơi nó ra nếu có thể. Sự bộc lộ, nếu cuối cùng có thể xảy ra, sẽ chỉ diễn ra trong một tích tắc của một hành động vô thức, một tia sáng yếu ớt từ ánh mắt, một khoảnh khắc ngắn ngủi khi nhấc cái mặt nạ mà tất cả con người đều mang để giấu diếm thâm tâm mình". Karsh tin rằng có một thời khắc ngắn ngủi, khi mà tất cả tâm trí, linh hồn và tinh thần của một con người phản ánh qua đôi mắt, đôi bàn tay, qua thái độ. Đó là khoảnh khắc phải ghi lại. Đó là "khoảnh khắc của sự thật" khó nắm bắt.


    [​IMG]

    [​IMG]
    Chân dung nhiếp ảnh gia Yousuf Karsh khi còn trẻ và lúc về già


    Yousuf Karsh và chân dung những anh hùng

    Karsh luôn thừa nhận là một người sùng bái anh hùng; sự nhiệt huyết với các cá nhân anh hùng thể hiện rất rõ trong phong cách và lối hành xử, từ đó ảnh hưởng đến nhiếp ảnh trong ông. Với ký ức kinh hoàng về cuộc thảm sát người Armenia, Karsh không dùng nó để mà cay đắng với cuộc đời mà theo hướng tích cực hơn, ông coi đó là nguồn nhiên liệu cho mối quan tâm lâu dài đến các cá nhân vĩ đại, những người sử dụng quyền lực không phải để phá hủy mà là cho những điều tốt đẹp. Trong suốt sự nghiệp của mình, Karsh đóng vai trò là một cá nhân trong xã hội tin tưởng vào một thế giới tốt đẹp hơn sẽ đến. Đằng sau mỗi bức ảnh của ông, người ta nhìn thấy theo một nghĩa nào đó, là triết lý và mầm mống của một đức tin vào chân giá trị, lòng tốt và tài năng của con người.
    Để chuyển tải chân giá trị ấy, Karsh dùng ngôn ngữ của trí tưởng tượng. Động tác của bàn tay, cử động trên khuôn mặt, ngôn ngữ cơ thể và hướng của cái nhìn chằm chằm, tất cả đều truyền đạt một lời nhắn chỉ ra cái người đang được khắc họa ấy thuộc loại anh hùng nào. Bằng ánh sáng và hiệu ứng của nó, Karsh nhấn mạnh câu chuyện đang được kể, đạo cụ sân khấu phụ trợ và góp phần đưa hình ảnh chân dung trở nên dễ hiểu hơn. Do đó, ảnh của Karsh rất dễ đọc ra dù khán giả thuộc bất kỳ nền văn hóa nào.
    Hầu hết trước hình ảnh những tên tuổi lớn chúng ta đều ngước mắt lên nhìn. Thế nhưng, người anh dũng đến mấy cũng ẩn giấu nỗi sợ nào đó có thể khiến họ phạm phải sai lầm. Karsh thấu hiểu điều đó, sự thấu hiểu khiến con người tin tưởng vào nhau hơn, và những bức chân dung mang dáng vẻ đáng tin cậy hơn.

    Yousuf Karsh và sự bất tử

    "Khi những người nổi tiếng muốn trở nên bất tử, họ tìm đến Karsh của Ottawa."
    "Karsh - ông đã khiến tôi trở nên bất tử."

    Bất cứ ai đứng trước ống kính của Karsh đều biết họ đang trên đường đến với sự bất tử. Những bức chân dung chụp bởi Karsh là mối dây liên kết đưa những người có địa vị trong xã hội đến với khán giả rộng lớn hơn. Karsh đã chụp hàng ngàn đàn ông và phụ nữ đến từ những lĩnh vực khác nhau trong suốt sự nghiệp trải dài hơn sáu thập kỷ. Những bức chân dung ông chụp đều có chỗ đứng riêng trong lịch sử. Toàn bộ những chân dung ấy được ông miêu tả là một bức ảnh toàn cảnh "sân khấu vĩ đại của thế giới ở thế kỷ hai mươi". Với món quà nhìn thấu tâm can từ Thượng đế và một cái tâm hướng thiện, Karsh tìm ra trong mỗi người những phần tốt đẹp sâu kín và làm chúng bộc lộ ra trước ống kính. Bản chất người được chụp vì thế toát ra, họ cũng nhìn ra bản thân mình trong bức ảnh. Từ đó các bức chân dung trở nên bất tử.

    [​IMG]
    Nhà văn Mỹ Helen Keller (phải) và người giúp việc Polly Thompson, năm 1948. Karsh kể lại: "Tôi hôn bà ấy lên trán và bà ấy thẹn thùng như một đứa trẻ". Rồi bà áp hai bàn tay lên má ông và nói rằng "Tôi đang chụp ông bằng cảm nhận của tôi". Keller bị mù và điếc ngay từ khi chưa đầy hai tuổi.
    [​IMG]
    Pablo Picasso ở biệt thự của ông, năm 1954
    [​IMG]
    Nhà bác học Albert Einstein
    [​IMG]
    George Bernard Shaw tại nhà ông, năm 1943. Nhà soạn kịch 90 tuổi này bước vào phòng chụp một cách đầy hứng khởi và nhiều năng lượng. Bức chân dung ghi lại khoảnh khắc Shaw hướng mắt về phía Karsh để hỏi xem Karsh có hứng thú với câu bông đùa ông nói trước đó hay không.


    [​IMG]
    Mẹ Teresa ở Ottawa, năm 1988. Mẹ Teresa (1910-1997) là người thành lập giáo đoàn truyền bá lòng nhân từ Missionaries of Charity vào năm 1950 và nhận được giải Nobel Hòa bình vào năm 1979.


    [​IMG]
    Tổng thống Mỹ John F. Kennedy


    [​IMG]
    Tổng thống Cuba Fidel Castro


    [​IMG]
    Thủ tướng Jawaharlal Nehru tại Tòa Quốc hội ở Ottawa, năm 1956. Jawaharlal Nehru (1889-1964) là Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ.


    [​IMG]
    Nhà văn Ernest Hemingway


    [​IMG]
    Nhà soạn nhạc Jean Sibelius, năm 1949


    [​IMG]
    Chỉ huy dàn nhạc, cellist Pablo Casals, năm 1954


    [​IMG]
    Nhà làm phim, đạo diễn Alfred Hitchcock


    [​IMG]
    Diễn viên Audrey Hepburn, năm 1956


    [​IMG]
    Diễn viên Humphrey Bogart, năm 1946


    [​IMG]
    Nhà thần học, triết gia, nhạc sĩ Albert Schweitzer


    [​IMG]
    Tiểu thuyết gia Vladimir Nabokov


    [​IMG]
    Họa sĩ Man Ray


    [​IMG]
    Diễn viên kịch câm Marcel Marceau


    By Red, the Tri Thuc Tre