Trang

Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2016

Thu cứ đi đi- Thơ Song Thu

               


Hôm nay trời trở gió... Mời các cụ đọc tạm bài thơ, ST tiễn mùa thu đi









Thu cứ đi đi...

Ta chẳng có gì 
để níu lại mùa thu
Chẳng vòng tay ôm
Chẳng đôi xích sắt

Ta không có gì 
để trao tặng mùa thu
Không nụ môi hôn
Không giọt nước mắt ...


 Đã dịu dàng 
xua nắng hạ mùa sang
Sao lại giận hờn giông trời chớp bể?
Gió ngọt ngào 
trời trong xanh là thế
Sao lại trắng bờ xác cá nổi hôm nao? 

Thu cứ đi,
đi nhé
Chớ quay lại... ồn ào
Dòng nước lũ 
Tiếng rít gào vô lối

Đêm trở gió   
Lòng ta sao vời vợi 
Nhớ thu xưa 
hương cốm, lá vàng bay ... 

Tiễn em đi 
Ta lầm lũi
Hôm nay... 
















Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2016

Thế hệ tôi... Thơ Gia Hiền



Cuối tuần, mời các cụ đọc bài thơ đầy những trăn trở, suy tư của Gia Hiền và cho biết cảm nghĩ ạ!




THẾ HỆ TÔI, MỘT THẾ HỆ CÚI ĐẦU


27 Votes

LogoTho-300x300GIA HIỀN


Thế hệ tôi, một thế hệ cúi đầu
Cúi đầu trước tiền tài, cúi đầu sau mông người khác
Cúi đầu trước chính mình, cúi đầu bạc nhược
Chỉ ngầng đầu…
…vì…
…đôi lúc…
…phải cạo râu! 
Thế hệ tôi, cơm áo gạo tiền níu thân sát đất
Cuộc sống bon chen
Tay trần níu chặt
Bàn chân trần không dám bước hiên ngang.
Thế hệ tôi, nhận quá nhiều những di sản hoang mang
Đâu là tự do, đâu là lý tưởng?
Đâu là vì mình, và đâu là vì nước
Những câu hỏi vĩ mô cứ luẩn quẩn loanh quanh…
Thế hệ tôi, ngày và đêm đảo lộn tanh bành
Đốt ngày vào đêm, và đốt đêm không ánh sáng
Nếu cho chúng tôi một nghìn ngày khác
Cũng chẳng để làm gì, có khác nhau đâu?
Thế hệ tôi, tự ái đâu đâu
Và tự hào vì những điều huyễn hoặc
Tự lừa dối mình, cũng như lừa người khác
Về những niềm tin chẳng chút thực chất nào!
Chúng tôi nghe và ngắm những siêu sao
Chỉ với mươi lăm nghìn cho vài ba tin nhắn
Văn hóa ngoại giao là trà chanh chém gió
Và nồi lẩu tinh thần là những chiếc I-phone
Thế hệ tôi, ba chục đã quá già
Và bốn chục, thế là đời chấm hết
Không ghế để ngồi, thì thôi, ngồi bệt
Mối lo hàng ngày là tiền trong tài khoản có tăng lên?
Thứ đắt nhất bây giờ là từng lạng NIỀM TIN
Thứ rẻ nhất, lại là LỜI HỨA
Sự dễ dãi đớn hèn khuyến mại đến từng khe cửa
Có ngại gì mà không phản bội nhau?
Không, tôi không đại diện thế hệ mình đâu!
Và thế hệ tôi cũng không đại diện cho điều gì sất!
Trăm năm sau, lịch sử sẽ ghi vài dòng vắn tắt:
Có một thế hệ buồn, đã nhạt nhẽo đi qua…







Thứ Ba, 25 tháng 10, 2016

Chầm chậm đọc châm ngôn hay mỗi ngày...






1- Sống chậm lại, nghĩ khác đi
và yêu thương nhau nhiều hơn

Image result for sống chậm lại để cảm nhận


2-"Im lặng và mỉm cười là 2 vũ khí lợi hại.
Mỉm cười là cách để giải quyết nhiều vấn đề, im lặng là cách để tránh những vấn đề rắc rối xảy ra."

Image result for mỉm cười cho qua


3-Đừng quá xem trọng diều gì. Hãy tiếp nhận mọi sự may rủi một cách nhẹ nhàng

Anh nghe thuat choi dua voi anh trang hinh anh 5


4-Gia đình không phải là một thứ gì đó quan trọng mà là tất cả mọi thứ  với chúng ta ( Michael J. Fox )




5"Bụi thời gian làm mờ đi tất cả,
Chỉ tình người còn mãi ở trong ta."

Image result for tình già



6-"Lo lắng không làm cho điều tồi tệ không xảy ra, mà nó chỉ làm cho những điều tốt lành ngừng lại."

Image result for lo lắng


7-Hãy bao dung với người không bao dung.
Vì họ là người cần sự bao dung hơn ai hết.


Image result for bao dung trong tình yêu


8-Đời người là để đi tìm người tri kỷ, một người hiểu được mình. Tìm ra được người đó thì sẽ hạnh phúc vô cùng ( Thích nhất Hạnh)

Image result for thích nhất hạnh


9- Xa nhau rồi, bước qua nhau rồi thì quá khứ trước đây có đẹp đẽ đến mức nào, đáng nhớ đến mức nào cũng phải quên đi!

Image result for quên đi một người


10-Ai cũng có thể bỏ rơi bạn nhưng bạn tuyệt đối không được bỏ rơi mình!



ST sưu tầm

Thứ Năm, 20 tháng 10, 2016

Khi người đàn bà yêu- Thơ Song thu








Khi người đàn bà yêu


Khi người đàn bà yêu

Nàng muốn sống thêm một cuộc đời nữa

Bế bồng mối tình-chảo lửa
Nàng đánh rơi một nửa trí khôn mình...




Khi người đàn bà  yêu
                                    Nàng dịu mềm hơn tơ hơn lụa                                              

                                         Thơm mát hơn hương lúa hương mây 

Nàng trở về với thuở thơ ngây

Hoang sơ vụng dại 
Ai đem cành dẻ gai hăng hăng ngai ngái
Bối rối cột chặt  mình...? 


Khi người đàn bà yêu
Triết lý bỗng rối rắm vô minh 
Giữa có- không là không- không, có- có
rồi lững lờ , nửa có-nửa không!



Giữa  rung động yêu thương đau khổ đến tận cùng
Nàng tìm chọn giá trị 
 Hy Sinh
Im lặng 
Tận Tụy 
Tận Yêu... 

Cuộc đời này sẽ lạnh lẽo biết bao nhiêu
Nếu thiếu vắng  những người đàn bà "phiêu" ...như thế!


2013



Thứ Tư, 19 tháng 10, 2016

Mừng ngày phụ nữ Việt Nam, 20-10-2016




Chúc mừng các chị, các mẹ và các bà nội/  ngoại nhân ngày 20-10. Chúc sức khỏe và thật nhiều niềm vui...

















                                                                Ký tên: Song Thu 


Thứ Hai, 17 tháng 10, 2016

Khối 3 QL họp mặt...



Ghi nhanh của Song Thu: Hôm 16-10, đến hẹn lại lên, khối 3 trường TNVN họp mặt. Trời thu trong xanh, nắng hanh dịu dàng...khiến bạn bè bốn phương kéo về đây rộn ràng. Một số thày cô tuy sức khỏe có chút vấn đề vẫn nhiệt tình đến với các trò năm xưa. Đại diện gia đình các bạn là thương binh biệt sĩ cũng đến khá đông đủ...

Nét nổi bật của năm nay thể hiện ngay trong băng rôn của buổi lễ: CHÀO MỪNG HỌP MẶT TÌNH NGHĨA... chứng tỏ bạn liên lạc cựu học sinh K3 trong năm qua đã rất quan tâm đến hoạt động thăm hỏi gia đình các anh hùng liệt sĩ , hiếu hỉ,  cũng như thăm hỏi bạn bè không may ốm đau, bệnh tật...Nhiều bài phát hiểu rất chân thành, cảm động về tình bạn lâu năm của khối lớp 3 chúng ta. Những lời động viên răn dạy của các thày cô ( về việc giữ gìn sức khỏe...) làm mọi người thêm cảm phục: Thày cô, lúc nào cũng là thày cô của chúng ta, mặc dầu chúng ta đã đến tuổi cổ lai hi rồi!
Các bạn 3A và 3C đã hát vang những bài hát QL xưa và cả bài " Gửi sông Ly" của anh Quang Trung mới sángtác...

Dưới đây là một vài kiểu ảnh ST chụp vội, mời bạn bè xem nhé!







Tòan cảnh


Thày cô chụp ảnh cùng các cựu trò gái, nhân ngày 20-10...Ngồi giữa , từ trái sang là cô Hòa, cô Mỹ và thày Quý



Thày Quý cùng bạn Lê anh Minh-3A



Cô Hoàn, Ngọc Trinh ( đứng ) và hai phu nhân của hai bạn trong lớp.


Cô Hòan phát biểu rất trí tuệ và cảm động...

 Học trò lắng nghe...


Bạn Thắng đã may mắn qua được cơn đột quỵ.  Hôm nay từ Hải phòng lên, cảm động phát biểu, cám ơn bạn đời ( ngồi bên ) và bạn bè bằng hữu...




Sau buổi lễ long trọng có phần văn nghệ và cuối cùng là tiệc liên hoan



-----------------------------------

Còn đây là phần sau cùng: cà phê hậu gặp mặt



Bốn "tứ quái" này đã hội ngộ trong quán cà phê này năm ngoái , năm nay chụp nhắc lại để theo dõi...
( Xem hàng năm già đi như thế nào? hiii)




Còn đây, ba bộ râu " đáng kính" của các cụ em Khối 3!!! Năm ngoái chỉ có hai, năm nay thêm một ( Bạn Thắng, cựu phi công, ngồi giữa ). Không hiểu sang năm còn thêm bộ nào?


Xin cám ơn sự theo dõi của các bạn!

















Thứ Năm, 13 tháng 10, 2016

Bài diễn thuyết gây chấn động


Xã hội TQ đang xáo động, có lẽ XH VN cũng đang như vậy. Làm sao bảo vệ được con em chúng ta , học trò của chúng ta khi họ bước vào đời... Mời các cụ đọc và cho ý kiến ạ!




Bài diễn thuyết về "Đạo làm người" gây chấn động Trung Quốc

Hải Võ | 
Bài diễn thuyết về "Đạo làm người" gây chấn động Trung Quốc
(Xử lý ảnh: Mạnh Quân)

"Chấn động, rung động, vang dội" là bình luận trên các diễn đàn ở Trung Quốc về bài diễn thuyết được cho là đụng chạm đến những góc nhạy cảm nhất của xã hội nước này.


LTS: Bài diễn văn của giáo sư Tùng Nhật Vân tại lễ tốt nghiệp của trường Đại học Chính phápTrung Quốc năm 2013, thời điểm bùng nổ chiến dịch chống tham nhũng "đả hổ diệt ruồi" của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, là một trong những bài nói gây bão nhất tại Trung Quốc và trên các diễn đàn quốc tế trong hơn 3 năm qua.
Đài Deutsche Welle (Đức) dẫn lời ông Kim Chung, tổng biên tập tạp chí Open (Hồng Kông) từng đánh giá: "Một trận bão tố đang nổi lên ở Trung Quốc." Trên kho tư liệu của Baidu, bài diễn văn nhận được đánh giá là "chấn động, rung động, vang dội".
Dưới đây, chúng tôi xin trích đăng nội dung bài diễn thuyết gây chấn động này. Bài gốc được đăng trên báo Sina (Trung Quốc) hôm 17/8. 
***
Các em học sinh!
Hôm nay là ngày vui của các em, là ngày các em trưởng thành, là một khởi đầu mới trên đường đời của các em.
Các em sẽ đội lên đầu vòng nguyệt quế và mặc lễ phục tốt nghiệp, để biểu thị các em đã trở thành "học sĩ" (cử nhân-ND). Trong ngôn ngữ Trung Quốc truyền thống, trở thành "sĩ" nghĩa là đạt được một thân phận khác với số đông.
"Gặt hái được vị trí cao trên con đường học vấn gọi là sĩ", "người dùng tài trí gọi là sĩ". Sĩ có nhiều dạng, mà "học sĩ" chính là những người dùng học vấn và tài trí để đạt được thân phận "sĩ", được người khác tôn trọng.
Cho nên, thầy chân thành chúc mừng các em. Chúc mừng mười mấy năm học tập của các em cuối cùng đã thành "chính quả"!
Hôm nay các em tốt nghiệp bước ra cổng trường, ngày mai chính là lễ khai giảng của "đại học xã hội" (cuộc đời-ND). Nhân sinh là từng lần một tốt nghiệp rồi lại khai giảng. Nhưng chỉ có lần tốt nghiệp và khai giảng này là bước ngoặt quan trọng nhất trong đời người.
So với hành trình dai dẳng ngày sau, quá trình học tập sinh hoạt trước đây của các em chỉ là tập đi mà thôi; so với sân khấu cuộc đời sắp tới, cuộc sống học tập trước đây chỉ là mở màn mà thôi.
Xã hội mà các em sắp bước vào là một vũ đài nhân sinh đầy màu sắc mà ở đó, các em sẽ thực hiện được giá trị của mình, hưởng thụ cuộc đời của mình. Nhưng đồng thời, xã hội cũng là một giang hồ hiểm ác, một vũng lầy dơ bẩn.
Giang hồ đó sâu không thể dò được, vượt xa khả năng tưởng tượng của các em. Các em "xông pha" giang hồ từ đây cũng giống như học đi thuở ban đầu vậy.
Giang hồ đó sẽ nhào nặn lại từ đầu sức mạnh của các em, có thể các em còn chưa ước lượng hết được. Giờ các em phải lao mình vào đó không quay đầu, trong khi không biết nó có ý nghĩa gì.
Bài diễn thuyết về Đạo làm người gây chấn động Trung Quốc - Ảnh 1.
(Xử lý ảnh: Mạnh Quân)
Những ngày này, các em - vừa phấn khích vừa âu lo - đều mường tượng về tương lai xán lạn, cuộc đời tươi đẹp. Những gì mà các em nghe được, đều là những thời chúc phúc đẹp đẽ và những kỳ vọng cùng ủy thác cao vời.
Nhưng là bậc phụ huynh, là người thầy giáo, là thầy Tùng [Nhật Vân] của các em, trong lòng tôi lại có chút bấp bênh, chỉ có thể nói mấy lời khuyến khích thích hợp với đại đa số các em trước giờ chia tay.
Thời Tiên Tần (thế kỷ 21 đến năm 221 TCN - ND) có một nhà tư tưởng tên Dương Chu vì cảm thán nhân sinh trắc trở trùng trùng, trong ngã rẽ lại có ngã rẽ khác khiến người ta dễ lạc lối, mà bật khóc.
Nguyễn Tịch (người nước Ngụy thời Tam Quốc-ND) trong Trúc Lâm Thất hiền cũng từng đối diện với trắc trở mà phải bật khóc quay đầu.
Cuộc đời nhiều ngã rẽ. Đây chính là số mệnh của con người. Nếu nghiêm túc đối đãi nhân sinh thì không thể không đối diện với những khốn khó và âu lo trước mỗi ngã rẽ hết lần này đến lần khác.
Cuộc đời là vô số lựa chọn. Bắt đầu chọn từ mục tiêu cuối cùng của nhân sinh, rồi quy hoạch phương hướng phát triển lớn, cho đến từng lựa chọn chi tiết trong sinh hoạt thường ngày, để đưa ra lựa chọn cho từng bước. 
Lựa chọn của em sẽ tạo thành cuộc đời em.
Một cuộc đời đúng đắn, hay là một đời sai lầm.
Từ trước đến nay, phụ huynh, xã hội, trường học hầu như đã giúp các em hoạch định tất cả. Từ nay về sau, các em phải độc lập chọn lựa con đường sống của mình.
Con đường nhân sinh chỉ có thể một mình bước đi, không có chỗ dựa dẫm, không có thầy giáo. Chẳng may một ngày nào đó em buông xuôi theo dòng đời, thì đó cũng là lựa chọn của chính em.
Nhà triết học hiện sinh Jean-Paul Sartre từng nổi tiếng một thời ở Trung Quốc trong thập niên 1980, nhưng ngày nay rất ít người còn chú ý đến ông. Nhưng ông có một câu nói vẫn cần phải nhắc đến: "Con người là tự mình lựa chọn".
Con người lựa chọn vốn là việc của bản thân, hơn nữa phải chịu toàn bộ trách nhiệm với chọn lựa của chính mình.
Trên thế giới này, mỗi một người đều là độc nhất vô nhị. Giá trị của em trên thế giới này nằm ở chỗ em không giống số đông. Cho nên, lựa chọn đầu tiên của mỗi người, chính là nên trở thành chính mình.
Đừng thấy người khác mơ mà em cũng mơ, bị ước mơ của người khác che mắt mà cũng ước mơ giống như họ. Mỗi người đều có giấc mơ của riêng mình.
Lựa chọn trở thành chính mình nghĩa là không ngừng vượt qua chính mình. Các em phải không ngừng đánh giá lại bản thân, tự vấn bản thân, đặt ra tiêu chuẩn cao cho bản thân để truy cầu cảnh giới cao nhất.
Cuộc đời của chúng ta tương quan mật thiết với vận mệnh của xã hội này.
Mỗi thế hệ có vận mệnh của mình. Thế hệ các em có tuổi thơ và thời niên thiếu yên bình, nhưng tương lai của các em có thể phải đối mặt với những đổi thay trọng đại của xã hội Trung Quốc.
Nếu quan tâm tình hình xã hội, các em có thể nhìn thấy mây đen tích tụ trên bầu trời, có thể nghe thấy cơn bão âm ỉ giấu trong mây đen (ý nói nhận ra được những biến đổi trong xã hội-ND).
Những người nhạy cảm đều có thể nhìn thấy, phong vân biến hóa, sóng ngầm rung chuyển, con đường phía trước mờ mịt.
[...]
Đối diện với những biến đổi to lớn có khả năng xảy đến trong xã hội, các em sẽ lựa chọn thế nào?
Khi em đưa ra lựa chọn, em có phải là một người tỉnh táo hay không?
Trong tác phẩm "Sông lớn biển lớn - 1949", nữ sĩ Long Ứng Đài (tác giả nổi tiếng người Đài Loan-ND) ghi chép lại vô số lựa chọn của con người trong thời khắc ấy: Đi hay không đi? Đi, là một đời. Không đi, cũng là một đời. Bi kịch của vô số người đều bắt đầu từ giây phút chọn lựa ấy.
Đối diện với một số người bình thường ở trong hoàn cảnh bất đắc dĩ bị vận mệnh cuốn theo ấy, Long Ứng Đài nói một cách cảm khái: "Một giọt nước, làm sao mà biết được hướng đi của dòng chảy lớn?"
Nhưng thầy nghĩ, các em là sinh viên tốt nghiệp của Đại học Chính pháp, là cử nhân Học viện quản lý hành chính, các em nên có năng lực nhận thức phương hướng dòng chảy hơn những người bình thường.
Người ta cảm thán rằng, rừng cây tiêu điều xơ xác không thể ngăn cản được sóng xô cuồn cuộn.
Nhưng cho dù là một rừng lá, liệu em đã từng giãy giụa? Em giãy giụa theo hướng nào?
Nếu Trung Quốc lại xuất hiện một cuộc vận động Nghĩa Hòa Đoàn hay Hồng vệ binh, nếu mô hình Trùng Khánh trở thành mô hình Trung Quốc, các em có đủ tỉnh táo để nói "không"? Nếu các em không có kiến thức và dũng khí đó, có thể ít nhất làm một 'phái Tiêu Dao' (ý nói đứng ngoài sự việc-ND) vô hại hay không?
(Mô hình Trùng Khánh: Quy hoạch phát triển thành phố Trùng Khánh được đề ra năm 2010 bởi Bạc Hy Lai, nhưng được biết đến chủ yếu từ những hoạt động bề nổi-ND)
Bài diễn thuyết về Đạo làm người gây chấn động Trung Quốc - Ảnh 2.
(Xử lý ảnh: Mạnh Quân)
Đương đầu với dòng nước đục cuộn tới, nếu em không thể chống chọi liên tục, liệu em có thể lựa chọn đấu tranh từng lúc;
Nếu em không dám tích cực đối đầu, em vẫn có thể lựa chọn đối đầu tiêu cực;
Nếu em không thể dũng cảm biểu đạt, em có thể lựa chọn biểu đạt hàm ý;
Nếu em không dám biểu đạt hàm ý, em có thể lựa chọn im lặng.
Nếu các em không lựa chọn im lặng mà là lựa chọn hùa theo, nhưng liệu các em vẫn có thể giơ cao đánh khẽ hay không?
Khi các em chủ động hoặc bị buộc phải làm chuyện xấu, liệu nội tâm có thể sót lại chút cảm giác bất an hay tội lỗi? Chỉ một chút cảm giác bất an hoặc mang tội này thôi, vẫn là dấu hiệu cho thấy nhân tính còn chưa bị bôi xóa.
Cho dù các em không tranh đấu, nhưng đối với những người đấu tranh với cái xấu khác vẫn phải có đôi chút kính trọng. Cho dù không kính trọng cũng không được đâm sau lưng, dùng thủ đoạn hại người, trợ Trụ vi ngược (tiếp tay kẻ ác làm điều xấu-ND).
[...]
Khi các em bước ra khỏi cổng trường, các em sẽ đối diện với một xã hội đặc thù. Xã hội này đã là một thùng thuốc nhuộm lớn (có thể thay đổi con người-ND).
Năm xưa, Mặc Tử thấy người ta nhuộm vải, vải trắng đưa vào, vải ngũ sắc khi ra. Ông bật khóc.
Các em hãy hiểu tâm trạng của các thầy cô hôm nay nhìn các em vẫn còn những nét hồn nhiên thuần khiết, chuẩn bị bước vào thùng thuốc nhuộm ấy.
Chia tay trường học nghĩa là tạm biệt cuộc sống giản đơn để lao vào hồng trần cuồn cuộn, giang hồ dậy sóng.
Sau này mỗi một lần các em bị tổn thương sẽ nhớ về trường cũ. Bất kể ở đây các em trải qua bao nhiêu điều không vui thì đây vẫn là một miền đất sạch.
Đối diện với hoàn cảnh xã hội, liệu các em có làm được "cả thế gian say, mình ta tỉnh; người đời vẩn đục, chỉ ta trong"?
Thầy không ôm nhiều hy vọng về điều này, bởi chính thầy cũng không làm được. Nếu kiên trì chuẩn mực đối nhân xử thế như vậy thì chỉ có cách học theo Khuất Nguyên (chính trị gia nước Sở thời Chiến Quốc-ND) mà nhảy xuống sông Mịch La.
Nhưng Phật giáo có một nguyên tắc xử thế có thể gợi mở cho các em đôi chút, đó là: "Tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên."
Nếu đã tùy duyên thì cũng bất biến. Bất biến là nguyên tắc, còn tùy duyên nghĩa là linh hoạt. Thầy tin rằng đây là tiêu chuẩn mà đa số người có thể thực hiện được.
Trong lĩnh vực đời sống cá nhân, thầy hy vọng các em lựa chọn lối sống lành mạnh cầu tiến, lựa chọn làm một người văn minh và có lương tri.
Đương nhiên, thẳng thắn nói với các em về hiện thực không phải là khuyên các em lựa chọn tiêu cực hay từ bỏ. Người ta thường nói, mắt ta dù màu đen nhưng lại dùng để truy tìm ánh sáng. Không có ánh sáng và hy vọng thì đó là một cuộc đời tuyệt vọng không thể tiếp tục bước đi.
Miền đất sạch trong nội tâm các em chỉ thuộc về chính các em. Chỉ cần giữ vững nó thì bất kỳ thế lực bên ngoài nào cũng không thể xâm nhập được.
Từng có lời khuyên của một người phương Tây khi đối mặt với sự từ bỏ, nói rằng không phải tôi muốn thay đổi thế giới, mà tôi chỉ muốn để thế giới thay đổi chính nó. Cũng có nghĩa là, "anh không thể quyết định ngày mai Mặt trời mọc lúc mấy giờ, nhưng anh có thể quyết định thức dậy lúc mấy giờ".
Các em học sinh, các em phải vươn cao bay xa. Ngày hôm nay, các thầy cô nhìn theo bóng lưng các em bước đi, nhưng dõi theo bước chân của các em chính là nỗi lo lắng bận lòng lâu dài của các thầy cô!
Bất kể các em là những người thông minh lanh lợi hay là đơn thuần thẳng thắn, dù cho các em là đẹp trai giàu sang hay xinh đẹp quý phái, thì các em đều là học trò của thầy cô.
Các thầy cô sẽ dõi theo thành công của các em, dõi theo hạnh phúc của các em và dõi theo xem liệu các em có bước đi trên con đường ngay thẳng hay không.
Nguyện cầu trời xanh bảo hộ các em!
Các em học sinh thân yêu, hẹn gặp lại!