Trang

Thứ Ba, 19 tháng 9, 2017

Kỳ lạ về vân tay - GS Nguyễn lân Dũng



Nhiều bạn thắc mắc về xu thế chọn nghề cho con mình. Các bạn nói bây giờ có tới 200 000 cử nhân, kỹ sư thất nghiệp. Đứa thì lái xe cho Uber, cho Grab, đứa thì đi bán quần áo, đứa làm nhân viên Siêu thị hay Cửa hang ăn uống. Thế thì tốn tiền học làm gì? Các bạn thấy tôi có hai đứa con khá thành đạt, một đưa theo bố nghiên cứu Vi sinh vật học, một đứa làm ngành Y theo mẹ. Các bạn hỏi tôi có ép hai cháu không? Xin trả lời là không. Cháu trai đỗ ba trường Đại học. Khi đó mẹ vợ tôi ốm nặng, phải thường xuyên hút dịch màng phổi rất đau đớn. Cháu muốn trở thành bác sĩ để cứu chữa bệnh nhân, thế là cháu chọn ngành Y. Cháu gái tình cờ hay đến thăm phòng thí nghiệm của bố và do xem kính hiển vi thấy thế giới vi sinh vật đâu chỉ có hình cầu, hình que như cháu thường nghĩ mà thật muôn hình muôn vẻ, vừa đẹp, vừa bí hiểm. Thế là cháu vào học Chuyên sinh rôi vào Khoa Sinh học, sau đó làm Tiến sĩ tại Mỹ. hai cháu đều đang phát huy được hết năng lực của mình. Cháu trai vừa là Giám đốc Trung tâm tim mạch Bệnh viện Trường Y, vừa là Đại biểu Quốc hội Khoá XIV
. Cháu gái hiện là Trưởng phòng Công nghệ cao của Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học (ĐH Quốc gia Hà Nội). Rõ ràng là có thể hướng dẫn con cái nhưng không nên làm nghề gì ép con vào nghề ấy chỉ vì lý do đơn giản là dễ xin việc cho con. Người ta đã chứng minh là con người có tới tám loại thong minh khácnhau . Đó là:
1. Thông minh về không gian: Có khả năng khái niệm hóa và thao tác giỏi trong các môn về không gian có quy mô lớn như phi công, thủy thủ, hoặc các dạng không gian dạng khu vực đơn giản hơn như kiến trúc sư, chơi cờ vua…
2. Thông minh về âm nhạc: Có cảm hứng và bắt nhịp tốt với nhịp điệu, giai điệu và âm sắc. Có năng khiếu hát, chơi nhạc cụ hay soạn nhạc …
3. Thông minh về ngôn ngữ: Luôn nhạy cảm với ý nghĩa của từ, trật tự giữa các từ, âm thanh, nhịp điệu, vần luật, yêu văn chương và thích sang tác...
4. Thông minh về sự vận động: Có trí thông minh về sự vận động cơ thể ,có thể học và sử dụng điêu luyện các bộ phận của tay, chân, cơ thể một cách khéo léo, có khuynh hướng thích làm vũ công, nghệ nhân gốm, sứ, làm xiếc…
5. Thông minh về giao tiếp: Có khả năng liên kết, hòa nhập tốt với người khác, dễ dàng bắt được cảm xúc, tâm trạng và chủ động trong các mối quan hệ và có khuynh hướng làm nhà tâm lý học, làm những người đàm phán...
6. Thông minh về toán học: Có khả năng khái niệm hóa mối quan hệ giữa các hành động hoặc biểu tượng một cách logic như nhà toán học hay nhà khoa học.
7. Thông minh về nội tâm: Có thể giỏi phát triển điểm mạnh của bản thân. Có thể tự đưa ra những quyết định của riêng mình trong tương lai, và luôn chấp nhận đối mặt với kết quả của nó dù là tốt hay xấu.
8. Thông minh về giới tự nhiên: Có khả năng phân biệt được những liên quan, tác động của mọi sự việc đến môi trường tự nhiên. Họ yêu thích khám phá, tìm hiểu về thiên nhiên, gắn bó với thiên nhiên.
Nếu ai cũng muốn con mình giỏi Toán như Ngô Bảo Châu thì nước ta làm gì có Nguyễn Thị Ánh Viên, Hoàng Xuân Vinh, Đặng Thái Sơn…?
Vậy làm sao biết được năng khiếu của con mình? Có lẽ cần theo dõi, gần gũi để hiểu biết ý thích của con cái ngay từ khi chúng còn nhỏ tuổi. Người ta nói làm bố mẹ khó nhất là đồng thời phải là những người bạn lớn của con cái .
Tuy nhiên trên thế giới , ở nhiều nước người ta còn có thể theo dõi vân tay của trẻ để biết được khuynh hướng phát triển của từng cháu.
Vân tay của mỗi người trong cả 7 tỷ người trên thế giới đều có những nét riêng biệt được giữ nguyên vẹn từ khi sinh ra đến khi về cõi vĩnh hằng (!) .Hầu như không có ai giống ai. Người Trung Quốc biết in dấu vân tay bằng mực đen của trẻ sơ sinh lên giấy từ thế kỷ 14. Để tránh gian lận ông quan cai trị người Anh là William Herschel ngay từ năm 1858 đã biết bắt thương gia Ấn Độ Rajyadhar Konai phải in vân tay lên mặt sau của các bản hợp đồng. Khoa học về dấu vân tay được Francis Galton khởi xướng vào cuối thế kỷ 19. Năm 1880 Henry faulds đưa ra lý luận về số lượng vân tay (RC-Ridge Count) phụ thuộc vào gen di truyền. Richard Edward Henry đã phát triển phương pháp nhân dạng dấu vân tay. Phương pháp này được Francis Galton cải tiến vào năm 1892. Từ đó về sau việc sử dụng dấu vân tay càng ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống (như hình sự, ngân hang, y học…) Dựa trên vân tay các bác sĩ có thể phát hiện được những bệnh do sai lệch gen. Đặc biệt ngành Vân tay học- một lĩnh vực chủ yếu trong Sinh trắc học hay Công nghệ Sinh trắc học (Biometric) là một lĩnh vực ngày càng phát triển. Hiện đã có trên 100 nước sử dụng Hộ chiếu điện tử bằng công nghệ nhận dạng vân tay. Các đầu quét và đầu dọc vân tay đang được tích hợp sẵn trong những thiết bị ở nhiều nước như máy chấm công, khoá cửa, két sắt… Tuy nhiên riêng về căn cứ vào vân tay để xét đoán khuynh hướng phát triển của trẻ là một lĩnh vực phải có điều tra từ rất nhiều trẻ để tìm ra quy luật phổ biến. Lĩnh vực này khá phát triển ở nhiều nước công nghiệp. Ở Việt Nam xuất hiện những công ty đang khai thác dịch vụ này, tuy nhiên còn chờ đợi một sự đánh giá khách quan của nhiều nhà khoa học. Luật sư Nguyễn Văn Hậu - phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, cho rằng Sinh trắc học dấu vân tay không thuộc các ngành, nghề cấm kinh doanh nhưng là một dịch vụ chưa được quy định trong pháp luật và lại đang hoạt động trên thực tế. Điều này yêu cầu các nhà làm luật phải vào cuộc xem dịch vụ có hợp pháp, có đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội.
Thứ nhất, cần làm rõ cơ sở khoa học và phải được hội đồng khoa học trong nước công nhận sinh trắc dấu vân tay, bởi kết quả đánh giá lệch dẫn đến hậu quả tư vấn sai, hướng nghiệp sai, đầu tư sai, có thể khiến người trong cuộc khủng hoảng, ép buộc phải làm những việc không phù hợp sở thích, nhu cầu.Thứ hai, nếu có cơ sở chấp thuận cho dịch vụ hoạt động thì cần phải đáp ứng những điều kiện nào trong lưu giữ và sử dụng mẫu dấu vân tay của khách hàng, cơ chế để giám sát ra sao... Các nhà khoa học cần vào cuộc với sự tham khảo sâu sắc kinh nghiệm của các nước phát triển.



( sưu tầm từ blogtiengviet.net)