Trang

Thứ Năm, 25 tháng 8, 2016

Lớp 3a Trường TNVN và 25-8 năm nay, 2016





Hôm nay Hà nội trời nắng đẹp. Hình như nắng thu mới vừa óng vàng. Bạn bè thuở để chỏm lại gặp nhau nhân dịp mừng ngày hội trường TNVN thân yêu. Cô giáo chủ nhiệm cũng lặn lội chống gậy đến vui cùng học trò cũ...Một năm đã qua, đã vắng bóng thày chủ nhiệm đầu tiên, thày Tóan. Một vài bạn cũng mãi ra đi...Để rồi gặp nhau, cùng vui, cùng chúc nhau " khỏe luôn luôn giữ sức mình hăng hái!"



Mời bạn bè cùng "ngắm" gương mặt của lớp chúng tôi nhé!


Từ trái sang: Q. Thùy, Cô Mỹ, Ngọc Trinh, Minh Tú , Minh Khánh... 


Đ.Mùi, M.Tú,  M.Khánh, Q. Bích, Đ.Tín và M.Kính...


Đ.Tín, Đ.Hưởng, T.Dũng...


Q. Thiều, lớp trưởng đầu tiên của lớp 3a...

Tươi như hoa...

 Còn đây, Dũng và hai chị em: Liên ( vợ bạn Xuân Đạm ) và Thu Giang...( tức Song Thu đấy ạ)

Xin cám ơn các cụ anh chị và bạn bè đã bớt chút thời gian chiêm ngưỡng "nhan sắc" của các cụ lớp 3a. Hi vọng mọi người không thất vọng chứ ạ?  ( vì các cụ em tưởng thế mà đã già...hiiii )

Thứ Hai, 22 tháng 8, 2016

S.O.S: Đồng chí bắn đồng chí- Thơ Nguyễn Khôi




                         Tác giả Nguyễn Khôi
 




Lời dẫn : Theo tin các Đài, báo thì Ngày 18/8/2016 tại tại trụ sở tỉnh Yên Bái đã xảy ra vụ Đồng chí Chi cục trưởng Kiểm Lâm  Đỗ Cường Minh (được tiếng là ngoan, hiền) đã dùng súng K59 vào phòng làm việc bắn chết Đồng chí Bí thư tỉnh Ủy Phạm Duy Cường, rồi sang phòng cách đó 150 mét bắn chết Đồng chí Chủ tịch HĐND kiêm Trưởng ban Tổ chức Tỉnh Ủy Ngô Ngọc Tuấn...sau đó Đ/c Minh tự bắn vào đầu mình tự sát chết... Nguyễn Khôi nghe tin bị "sốc"... xin có lời chia buồn với gia đình các Người xấu số... Nguyễn Khôi bức xúc có đôi vần cảm thán chia sẻ cùng các bạn thơ : 


S.O.S : ĐỒNG CHÍ BẮN ĐỒNG CHÍ
               
(Tặng HXH)
                    
Cứ như chuyện "giang hồ đất Cảng"
"Truyện Đường Rừng" - Lãnh chúa vùng biên (1)
-Tên thuộc hạ hạ sát  hai Đầu Lĩnh
Rúng động dân tình, choáng váng Đảng viên.
                      
Kỷ luật Đảng xưa nay là "thép"
Nghị Quyết ra chỉ có phục tùng -
Làm gì có chuyện "chức quyền chạy chọt"  
Là Kiểm Lâm đâu có phá Rừng ?
                      
Không có lửa (ức hiếp) mà bùng bùng bốc khói
Áp "Luật Rừng" thanh toán nỗi u minh
Là nhân quả của quá trình tội lỗi  
Thật khó tin "rất đúng quy trình "...
                     
S.O.S : gióng tiếng chuông cảnh tỉnh :
Xiết kỷ cương, ráng tử tế làm Người
-"Vụ Yên Bái" một vết đen Lịch sử
Hãy coi chừng cái ÁC lên ngôi.



                  Hà Nội  19/8/2016 
                    NGUYỄN KHÔI
...........

(1) Xem Lan Khai 

Thứ Sáu, 19 tháng 8, 2016

Trời mưa, mời các cụ vào đọc faybook Nguyễn trọng Tạo nhá!



CHÍ PHÈO của NAM CAO
“Chí Phèo” là truyện ngắn tuyệt tác của Nam Cao, được viết từ năm 1941, đến nay đã 3/4 thế kỷ, mà như vừa viết xong về cái thì hiện tại. Đọc lại đoạn văn sau khi Chí Phèo giết Bá Kiến rồi tự sát, người ta cứ ngỡ là chuyện bắn nhau vừa ngày hôm qua đây. Đoạn văn này xuất hiện nhan nhản trên mạng xã hội ngày hôm qua như cảnh báo cho cơ chế này - hãy thận trọng:
Cả làng Vũ Ðại nhao lên. Họ bàn tán rất nhiều về vụ án không ngờ ấy. Có nhiều kẻ mừng thầm. Không thiếu kẻ mừng ra mặt. Có người nói xa xôi: “Trời có mắt đấy, anh em ạ!”. Người khác thì nói toạc ra: “Thằng nào chứ hai thằng ấy chết thì không ai tiếc! Rõ thật bọn chúng nó giết nhau, nào có phải cần đến tay người khác đâu”. Mừng nhất là bọn hào lý ở trong làng. Họ tuôn đến hỏi thăm, nhưng chính là để nhìn lý Cường bằng những con mắt thỏa mãn và khiêu khích. Ðội Tảo, không cần kín đáo, nói toang toang ngay ngoài chợ, trước mặt bao người: “Thằng bố chết, thằng con lớp này không khỏi người ta cho ăn bùn”. Ai chả hiểu “người ta” đó là chính ông. Bọn đàn em thì bàn nhỏ: “Thằng mọt già ấy chết, anh mình nên ăn mừng”. Những người biết điều thì hay ngờ vực, họ chép miệng nói: “Tre già măng mọc, thằng ấy chết, còn thằng khác, chúng mình cũng chẳng lợi tí gì đâu…”. 
NAM CAO “Chí Phèo” là truyện ngắn tuyệt tác của Nam Cao, được viết từ năm 1941, đến nay đã 3/4 thế kỷ, mà như vừa viết xong về cái thì hiện tại. Đọc lại đoạn văn sau khi Chí Phèo giết B…
HOINGOVANCHUONG.WORDPRESS.COM

Thứ Hai, 15 tháng 8, 2016

Mùa Vu lan, đọc một bài thơ mộc mạc, cảm động về tình mẹ.





Ảnh thư pháp ý nghĩa về Mẹ

 TÌNH MẸ



Thơ: Thanh Tuyền


MẸ yêu dấu một đời vất vả
MANG trong tim biển cả tình thương
MỘT đời khổ cực trăm đường
NẮNG mưa Mẹ hứng ấm nhường phần con



HAI vai Mẹ đã mòn chai sạm
SƯƠNG gió lùa lạnh nám màu da
ĐEM về dệt những phong ba
RA thành manh áo làm quà con thơ



CHỢ xa tít mắt mờ Mẹ gánh
ĐỔI nhọc nhằn hiu quạnh lấy cơm
LÀM vì tất cả đàn con
ĐƯỜNG trơn chân Mẹ bước mòn đá chông



CON Ghi khắc Ân Lòng Tình Mẹ
ĐI hết đời nguyện sẽ yêu thương...
MẸ MANG MỘT NẮNG HAI SƯƠNG
ĐEM RA CHỢ ĐỔI LÀM ĐƯỜNG CON ĐI.

Nhân sự kiện đón Hòang xuân Vinh về nước, mời đọc: Thoát Trung... Từ bài học Hoàng xuân Vinh




Bước ngoặt giúp Hoàng Xuân Vinh thành công: Bỏ Trung Quốc…

Huy Đăng (từ Rio)
Thoát Trung không phải chuyện bàn suông, mà đã được thực tiễn kiểm nghiệm: nhờ đó Việt Nam có một Hoàng Xuân Vinh, huy chương vàng và huy chương bạc Olympic Rio 2016. Bao giờ Thoát Trung được thực hiện trong kinh tế, và nhất là trong chính trị?
Bauxite Việt Nam

TT – Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh không thể có được thành công như hôm nay nếu thiếu một trong hai người đã gắn bó cùng anh nhiều năm qua: HLV trưởng tuyển bắn súng Nguyễn Thị Nhung và chuyên gia người Hàn Quốc Park Chung Gun.
clip_image002
Từ trái qua, bộ tứ làm nên kỳ tích lịch sử của môn bắn súng: HLV Park, Xuân Vinh, HLV Nhung và Quốc Cường
Và nếu không có một quyết định sáng suốt của HLV Nguyễn Thị Nhung cách đây gần 10 năm, Hoàng Xuân Vinh cũng không có được cơ hội làm việc cùng ông Park Chung Gun. Và môn bắn súng VN có lẽ cũng chưa chắc gặt hái được thành công như hôm nay: quyết định bỏ nơi tập huấn quen thuộc là Trung Quốc để chuyển sang Hàn Quốc.
Theo Hàn Quốc, bỏ Trung Quốc
Đó là thời điểm đầu năm 2007, theo lời kể của HLV Nguyễn Thị Nhung, chị đã quyết định chấm dứt việc đi tập huấn tại Trung Quốc của tuyển bắn súng VN vì “không thu được lợi ích gì”.
“Người Trung Quốc rất mạnh trong bắn súng nhưng lại không thật tâm, nhiệt tình với chúng ta. Ở Trung Quốc, họ chỉ cho đội tập ở những phòng tập bình thường, trang bị cũ kỹ và cả đời chẳng biết mặt mũi đội tuyển Trung Quốc. Tập huấn như vậy không thu được lợi ích nào cả. May mắn là lúc đó Liên đoàn Bắn súng VN có mối liên hệ với Liên đoàn Bắn súng của Hàn Quốc và sau vài lần làm việc, tôi nhận thấy người Hàn rất thực tâm. Vì vậy tôi quyết định chuyển sang tập huấn ở Hàn Quốc. Ở đây, chúng tôi được tập trong phòng tập hiện đại cùng các thành viên của đội tuyển Hàn Quốc” – HLV Nguyễn Thị Nhung cho biết.
Thời điểm ấy, chị Nhung chỉ mới làm HLV trưởng khoảng một năm. Dù thời gian ngắn ngủi nhưng chị đã đưa ra những cải cách mạnh mẽ với đội tuyển bắn súng VN, đúng với tính cách đầy quyết đoán của một người phụ nữ có cuộc sống cá nhân, công việc thay đổi xoành xoạch.
Là con nhà nòi, HLV Nguyễn Thị Nhung đam mê và theo nghiệp bắn súng từ nhỏ. Nhưng đến tuổi 18, nhận thấy sự nghiệp của mình không có nhiều tương lai, chị Nhung xin nghỉ tập bắn súng để thi vào ĐH Thể dục thể thao (Từ Sơn) năm 1982. Ba năm sau, chị được đưa sang Nga học tại ĐH Thể dục thể thao Moscow. Năm 1989, chị trở về nước và trở lại với sự nghiệp tập luyện, thi đấu. Nhưng rồi cũng chỉ một năm sau đó, chị Nhung có em bé và lần thứ hai chị quyết định rút lui khỏi nghiệp VĐV.
Nghỉ thi đấu, nữ xạ thủ này xoay sang kinh doanh, mở lớp thể dục thẩm mỹ, lớp trang điểm, spa làm đẹp và bắt đầu có được tài chính ổn định. Những tưởng đã hoàn toàn chuyển sang cuộc sống của một nữ doanh nhân thì chị Nhung một lần nữa đột ngột trở lại với bắn súng, khi được tổng thư ký Liên đoàn Bắn súng VN lúc bấy giờ là ông Nguyễn Văn Hùng mời gọi. Năm 1997, chị quay lại bắn súng với vai trò trọng tài.
“Khi ấy công việc kinh doanh của tôi rất ổn định, nên tôi nghĩ mình có quyền trở lại với đam mê. Lúc bấy giờ là làm lại từ đầu nên có việc gì thì làm việc đó. Tôi kiên nhẫn theo dõi, mày mò, tìm hiểu trở lại với bắn súng từ công việc trọng tài” – chị Nhung nói. Và rồi đến năm 2003, chị được mời sang làm việc với bộ môn trong tư cách chuyên gia, trước khi trở thành HLV trưởng vào năm 2006.
“Bà chị khó tính” của Hoàng Xuân Vinh
Sau khi lập nên chiến tích lịch sử ở Olympic, một trong những lời đầu tiên mà Hoàng Xuân Vinh nói cùng chúng tôi là sự tri ân dành cho HLV Nguyễn Thị Nhung. “Không có sự giúp đỡ của chị ấy trong cả tập luyện lẫn cuộc sống tinh thần, cá nhân, tôi đã không thể gặt hái được nhiều thứ như ngày hôm nay. Chị Nhung như một người chị ruột của tôi vậy” – xạ thủ 42 tuổi này cho biết. Trong tuyển bắn súng, mọi người vẫn thường đùa Vinh là “học trò cưng” của HLV Nhung.
Thân nhau là vậy nhưng ít ai biết được đã có những lúc mối quan hệ cô – trò của hai người muốn đổ vỡ, gần như là “từ mặt nhau” theo lời kể của chị Nhung. Tất cả đến từ sự khắt khe quá mức của vị nữ HLV cá tính này.
“Là mẫu người nghiêm túc, luôn đòi hỏi sự hoàn hảo trong công việc nên tôi cũng đặt ra vô số giới nghiêm cho các VĐV. Điển hình như việc cấm tiệt họ sử dụng điện thoại di động, không chỉ trong giờ tập mà cả ở những lúc rảnh rỗi, sinh hoạt đời thường. Với tôi, đôi mắt của một xạ thủ cực kỳ quan trọng nên làm sao có thể cứ mãi cắm vào những smartphone rồi chơi game… Nhiều VĐV của tôi không đồng tình với điều này và rời khỏi đội tuyển. Ngay cả Vinh cũng nhiều lần như vậy”.
Nhưng rồi với sự chuyên nghiệp của mình, Xuân Vinh luôn vượt qua mọi khúc mắc để đáp ứng được đòi hỏi khắc nghiệt từ HLV trưởng. Bỏ qua những lần cãi vã trong công việc, Xuân Vinh và HLV Nguyễn Thị Nhung rất hợp tính nhau và có cùng đam mê mà “không ai chịu nổi” theo lời chị Nhung: có thể nói chuyện về bắn súng cả ngày không biết chán.
Cùng nhau, bộ đôi cô trò nhưng tình nghĩa như chị em này đã vượt qua biết bao nhiêu sóng gió, thử thách, những phen buồn nản đến mức muốn bỏ cuộc. Như khi Asiad Quảng Châu 2010 hay Olympic London 2012, các đấu trường mà Xuân Vinh thất bại đầy nuối tiếc. Những khi đó, Vinh tưởng chừng muốn giã từ nghiệp thi đấu, “người chị HLV” mạnh mẽ của anh lại trở thành nguồn trợ lực mạnh mẽ, hối thúc Xuân Vinh phải đứng dậy từ thất bại.
Người hàng xóm tốt bụng
Trong thành công của Hoàng Xuân Vinh, HLV Nguyễn Thị Nhung ví như người chăm bón gốc rễ thì vị chuyên gia người Hàn Quốc Park Chung Gun lại chính là người tỉa cành, nâng tài năng của Xuân Vinh lên tầm cao mới.
Chính thức sang VN làm việc từ năm 2014, nhưng thật ra ông Park đã gắn bó với tuyển bắn súng VN từ năm 2006. Lần đầu gặp tuyển bắn súng VN tại Giải vô địch thế giới 2006 ở Croatia, ông Park khi đó là HLV tuyển bắn súng thành phố Bucheon. Và một tình cảm đặc biệt khó hiểu dành cho các xạ thủ Việt bỗng nhiên đến với ông.
“Trong lần đầu thấy họ tập luyện, tôi bỗng thấy thân cận một cách khó hiểu. Họ rất có tài nhưng lúc ấy hơi lúng túng, ngượng ngập ở giải thế giới. Có lẽ vì vậy mà tôi nảy sinh tâm lý muốn giúp đỡ họ” – ông Park kể lại. Và từ đó ông Park trở thành người đứng ra thiết lập các mối quan hệ giữa hai liên đoàn bắn súng VN và Hàn Quốc, cũng như trợ giúp tuyển VN rất nhiều trước thềm các giải đấu quốc tế trong vai một “người hàng xóm tốt bụng”. Cảm kích trước sự chân thành của ông Park, đến năm 2014 HLV Nguyễn Thị Nhung đề xuất mời hẳn ông Park sang VN trong vai trò chuyên gia.
Bên cạnh những bài tập chuyên môn, ông Park còn đóng một vai trò rất thú vị – “người phụ trách truyền thông quốc tế” cho tuyển bắn súng VN. Là cộng tác viên của hai đài truyền hình MBC và KBS (Hàn Quốc), ông Park chuyển tải tin tức về thành tích thi đấu của tuyển VN cho giới truyền thông quốc tế ở các giải đấu lớn. Sau kỳ tích của Hoàng Xuân Vinh, cánh phóng viên “bao vây” lấy anh rồi sau đó “đổi mục tiêu” sang ông Park khi nhận thấy khả năng ăn nói hoạt bát của vị chuyên gia này.
Nhiệt tình với đội tuyển như vậy nhưng ông Park cực kỳ khiêm tốn. Ngay khi tôi tìm đến xin phỏng vấn, ông lập tức khoát tay lia lịa: “Không, không, tôi chẳng đóng góp được gì nhiều đâu. Hoàng Xuân Vinh đã quá giỏi rồi, cậu ấy là mẫu người làm việc chăm chỉ không biết mệt mỏi, khá giống với những người Hàn Quốc nhưng lại thân thiện, vui vẻ hơn. Toàn đội VN cũng vậy, tôi yêu người Việt và hi vọng sẽ còn được cùng các bạn trải qua nhiều kỳ Olympic nữa”.
Đừng quên Trần Quốc Cường
Còn một nhân vật nữa đã sát cánh cùng Hoàng Xuân Vinh trên đất Brazil cũng như hơn 10 năm qua tại đội tuyển bắn súng VN được xạ thủ này tri ân. Đó là người đồng đội cùng tuổi Trần Quốc Cường. Theo chia sẻ của HLV Nguyễn Thị Nhung, Cường có kỹ thuật còn tốt hơn Xuân Vinh, điển hình là thành tích tốt nhất ở nội dung 10m súng ngắn của anh cao hơn Xuân Vinh (583 so với 582 điểm).
“Vấn đề của Cường là cậu ấy hiền quá, thiếu một chút gì đó quyết đoán như Vinh. Nhưng chúng tôi phải cảm ơn cậu ấy vì tại nhiều giải đấu lớn, khi Vinh thất bại thì chính Cường là người thi đấu thành công mang về vinh quang cho đội. Chính sự xuất sắc của Cường là nguồn trợ lực rất lớn cho tinh thần của Vinh, mất người này thì còn người kia. Mọi người không biết, cũng chính Cường là người luôn theo sát an ủi Vinh những lần thất bại” – chị Nhung cho biết.
Hôm nay (10-8), Xuân Vinh tìm kiếm huy chương Olympic thứ 2
Hôm nay, mọi kỳ vọng, chú ý lại đổ dồn vào Hoàng Xuân Vinh khi anh cùng đồng đội Trần Quốc Cường thi đấu ở nội dung 50m súng ngắn nam. Vòng loại diễn ra từ 19g ngày 10-8 (giờ VN) và chung kết diễn ra lúc 22g cùng ngày. Đây cũng là nội dung thi đấu cuối cùng của tuyển bắn súng VN tại Olympic Rio 2016.
Một môn khác cũng có “trận đánh cuối” trong hôm nay là đấu kiếm với hai tay kiếm Vũ Thành An (nội dung kiếm chém nam) và Đỗ Thị Anh (nội dung kiếm liễu nữ) cùng xuất trận. Theo lịch, Đỗ Thị Anh thi đấu trước với trận đấu ở vòng 64 diễn ra lúc 18g30, còn Vũ Thành An thi đấu sau đó ở vòng 32.
H. Đ.

Thứ Năm, 11 tháng 8, 2016

Hạt may vàng- Thơ Song Thu





                         


                                  



                                                                           Khắp nẻo dânh đầy hoa cỏ may
                                                                                   (Xuân Quỳnh)





Nắng Thu rắc hạt may vàng
Chênh chao theo gió ngỡ ngàng...chạm anh
Găm vào sương khói mong manh
Hạt thương hạt nhớ để dành cho nhau

Hạt khâu lưng áo nhạt nhàu
Hạt xăm trắng cỏ nỗi đau tình mình
 Hạt thùa đôi khuyết chông chênh
Hạt thêu hoa nắng dập dềnh vào nhau

Là bây giờ, có mai sau?
Sao mênh mang thế một màu vàng Thu...

2012-2015



Thứ Hai, 8 tháng 8, 2016

Mời cùng theo dõi: Hồi chuông đã gióng...


Đại án.900 tỷ tại Mobifone: (kỳ 8)


Nguyễn Văn Tung
5-8-2016

Ngay sau khi kỳ họp Quốc hội khóa 1 kết thúc, căn cứ chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã ký văn bản chỉ đạo Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra toàn diện dự án Tổng Công ty Mobifone mua 95% cổ phần của Đài truyền hình tư nhân AVG và “chuyển cơ quan điều tra xử lý nghiêm nếu có dấu hiệu vi phạm”.
Việc các lãnh đạo cao nhất của Đảng và Chính phủ quyết tâm điều tra toàn diện, xử lý nghiêm vụ đại án tham nhũng AVG (ngay trong ngày làm việc đầu tiên của Chính phủ mới) đã làm thỏa lòng dư luận cả nước, thể hiện thái độ quyết liệt của Đảng, Chính phủ mới với căn bệnh tham nhũng – căn bệnh ung thư vốn đã rất trầm kha sau giai đoạn 10 năm cầm quyền của đồng chí X. Điều đó cũng thể hiện: tiếng nói của nhân dân đã được Đảng và Chính phủ mới lắng nghe, sự đồng thuận của các lề báo trong sự nghiệp chống tham nhũng của cả dân tộc!
“Tam giác ma quỷ” Nguyễn Bắc Son, Phạm Nhật Vũ, Lê Nam Trà là điển hình của lợi ích nhóm (mafia kinh tế – quan chức chính phủ – lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước). Nguyễn Bắc Son (nguyên ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông) chính là người đã “ngoáy nát” cơ cấu tổ chức, bộ máy nhân sự chủ chốt của Bộ Thông tin Truyền thông, VNPT, Vinaphone, Mobifone và tạo nên nạn chạy chức, chạy quyền rầm rộ (tổng giá trị lên đến hàng trăm triệu USD) trong ngành viễn thông suốt 3 năm qua. Phạm Nhật Vũ (chủ tịch công ty AVG, em trai của Phạm Nhật Vượng) chính là “cánh tay bạch tuộc” của Vincom (tập đoàn này nổi tiếng cả nước vì luôn giành được quyền khai thác các lô đất vàng tại các tỉnh, thành phố lớn với mức giá rẻ mạt một cách rất khó hiểu). Lê Nam Trà (chủ tịch Mobifone) nổi tiếng là giàu có nhất trong giới chủ tịch các tập đoàn tổng công ty nhà nước, nuôi gần một chục công ty sân sau đang ngày đêm hút máu Mobifone trong mọi lĩnh vực (dịch vụ kỹ thuật, cung cấp thiết bị, dịch vụ giá trị gia tăng…).
Trong đại án AVG, Nguyễn Bắc Son và Lê Nam Trà đã sử dụng chiêu trò “quân xanh, quân đỏ” với 4 công ty tư vấn “tung hứng” để định giá công ty AVG (đang thua lỗ ngập ngụa) thành mức giá cả tỷ USD. Cũng đừng quên rằng, mức giá mà các công ty tư vấn đưa ra chỉ là để tham khảo, Mobifone (với tư cách là chủ đầu tư) là chủ thể sẽ quyết định mức giá mua bán và chịu trách nhiệm về quyết định của mình trước Pháp luật. Tham chiếu với SCTV, một công ty truyền hình cáp với 2.5 triệu thuê bao, mạng lưới truyền hình cáp bao phủ gần cả nước cũng chỉ được định giá cỡ khoảng 4.000 tỷ đồng. Vậy một công ty truyền hình DTH/DTT công nghệ lạc hậu như AVG với 400.000 thuê bao thực, hạ tầng truyền dẫn gần như bằng không đang lỗ hàng trăm tỷ đồng/năm, được định giá ở mức 9.300 tỷ đồng theo phương pháp “chiếu khấu dòng tiền” thì có phải là điều bình thường không? Một điều quan trọng nữa là hai băng tần vô tuyến 700 mhz của AVG là tài nguyên quốc gia, phải trả lại cho Nhà nước vào năm 2017 (để đấu giá lại) và không thể được coi là một tài sản để định giá theo phương pháp “tài sản ròng”.
Cơ sở để các công ty tư vấn “xanh đỏ” định giá AVG cao chót vót là kế hoạch kinh doanh “không tưởng, thậm chí là hoang đường” của Lê Nam Trà sau khi Mobifone mua lại AVG, cụ thể: trong 2016 thì doanh thu thuần của AVG đạt 1.251 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 91 tỷ đồng và đến năm 2020, dự kiến doanh thu thuần của AVG sẽ là trên 7.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế sẽ đạt 1.876 tỷ đồng. Thực tế, sau 6 tháng đầu năm 2016, Lê Nam Trà mạnh miêng tuyên bố AVG (Mobi TV) đã phát triển 168 nghìn thuê bao mới và có lợi nhuận 6,4 tỷ đồng.
Với những người trong cuộc, đây là những con số “đầy đau đớn” cho Mobifone. Một AVG “nát như tương” được mua về thậm chí còn không có tiền để mua đầu thu để phát triển thuê bao mới, Mobifone phải tự lập dự án mua hơn một triệu đầu thu bằng tiền của mình và “cho không” AVG để AVG phát triển thuê bao. Nhân viên cũ của AVG bị cho nghỉ việc hoặc chuyển sang ký hợp đồng cộng tác viên với Mobifone để cắt giảm Opex cho AVG. Nhân viên Mobifone, nhận lương Mobifone nhưng phải gồng mình đi kinh doanh, phát triển thuê bao và lắp đặt đầu thu cho AVG. Nhân viên Mobifone, vốn đã phải chịu đựng nhiều đợt giảm lương, thưởng do phải gánh thua lỗ từ AVG, nay phải cắn răng mua vài bộ đầu AVG về để xó nhà chỉ để đạt chỉ tiêu phát triển thuê bao mới mà cấp trên giao. Mobifone dồn rất nhiều dịch vụ VAS sang AVG với mức chia sẻ doanh thu cao hơn 10-15% so với các CP bên ngoài. Mobifone dồn toàn bộ nguồn lực để tẩy thua lỗ cho AVG, không phải vì mục tiêu phát triển, mà chỉ để trong ngắn hạn làm đẹp con số cho Lê Nam Trà báo cáo.
Phát luật nào cho phép Lê Nam Trà dùng tiền của Mobifone (cũng là tiền của Nhà nước) để tẩy lỗ cho công ty con? Đạo đức nào cho phép Lê Nam Trà ép buộc nhân viên của mình mua đầu thu AVG rồi xếp xó nhà chỉ để phát triển thuê bao “ảo”? Với 8.900 tỷ, nếu không mua AVG, Mobifone chỉ cần gửi tiết kiệm thì sau 6 tháng cũng có 450 tỷ tiền lãi. Còn giờ đây, sau khi bỏ 8.900 tỷ để mua AVG, Mobifone phải chấp nhận rủi ro, vi phạm pháp luật để chuyển lợi nhuận từ mảng di động của mình (mỗi tháng hơn 30 tỷ, sáu tháng gần 200 tỷ) sang AVG, như vậy AVG mới có thể báo lãi 6,4 tỷ đồng trong 6 tháng. Quả là một con số đầy đau đớn.
Việc Mobifone mua AVG đã vi phạm nghiêm trọng quy định của Nhà nước: không lập dự án nhóm A để trình Bộ Tài Chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư thẩm định giá và trình Thủ tướng phê duyệt mức giá mua bán (việc mua bán chỉ dựa vào văn bản phê duyệt chủ trương chung chung của một vài cơ quan hữu quan), như vậy, Bộ Thông tin Truyền thông và Mobifone phải chịu trách nhiệm về việc này.
Điều nực cười là các văn bản Mobifone “xin ý kiến” một vài bộ ngành đều được đóng dấu “mật”. Có vẻ như Nguyễn Bắc Son, Lê Nam Trà đã quên một điều cơ bản: tiền vốn của Mobifone là tài sản của Nhà nước và việc mua bán tài sản Nhà nước cần công khai và minh bạch, đây không phải là tài sản của riêng họ (và họ muốn làm gì thì làm).
Lê Nam Trà cũng đang tâm ép buộc một loạt cán bộ Mobifone phải ký đồng thuận vào hồ sơ dự án AVG (một số Trưởng Ban, Ban Tổng Giám đốc và các thành viên của Hội đồng thành viên) với dã tâm “chết thì cùng chết” và “xử lý hết thì lấy ai làm việc”. Hơn lúc nào hết, các cán bộ này cần đồng loạt tố cáo Lê Nam Trà thì may ra họ mới thoát khỏi vòng lao lý.
Nguyễn Bắc Son, Lê Nam Trà, Phạm Nhật Vũ đã liều lĩnh vượt qua các quy định của Nhà nước, cùng một số cá nhân khác bỏ túi chia nhau hơn 7.000 tỷ đồng từ vụ đại án AVG, chà đạp lên mồ hôi nước mắt của hơn 4.000 cán bộ nhân viên VMS/Mobifone bao thế hệ và tham ô những đồng tiền thuế của nhân dân. Với 7.000 tỷ đồng này có thể xây hàng nghìn trường học, trạm xá, bệnh viện cho người nghèo trên cả nước (đặc biệt là các khu vực miền núi khó khăn) hoặc có thể mang lại cho Nhà nước hàng tỷ USD khi cổ phần hóa Mobifone. Việc chia số tiền 7.000 tỷ đồng cho những quan chức nào, chỉ cần Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ Công an bắt khẩn cấp Phạm Nhật Vũ, Lê Nam Trà là sẽ điều tra ra ngay!
Cả nước đang trong giai đoạn chấn chỉnh kỷ cương, tổng tấn công nạn tham nhũng và nạn chạy chức chạy quyền. Việc Đảng, Nhà nước, Chính phủ nỗ lực xử lý nhanh chóng, nghiêm minh các vụ án điểm: “ô nhiễm môi trường Formosa, Trịnh Xuân Thanh PCV, Mobifone AVG, vỡ đường ống nước Vinaconex…” trong quý 3 năm 2016 sẽ lấy lại phần nào niềm tin của nhân dân.
( Từ blog Đi tìm sự thật )

Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2016

Cuối tuần chiêm ngưỡng thời trang chút xíu ha!



Vẻ đẹp không tưởng của bộ sưu tập “thời trang và cuộc sống”

Dân trí Bộ ảnh dưới đây được thực hiện theo đúng nghĩa “thời trang và cuộc sống”, với những mẫu thời trang được tạo nên từ những lát cắt sinh động của cuộc sống. Hãy cùng chiêm ngưỡng vẻ đẹp của một bộ sưu tập lung linh, không vải vóc nào có thể tái hiện được.

Một chuyên viên thiết kế minh họa cho tạp chí thời trang - anh Shamekh Bluwi, đến từ Jordan (một quốc gia Tây Á) - đã thực hiện bộ sưu tập thời trang theo phong cách “cut-out”. Shamekh để những lát cắt của cuộc sống phủ đầy những gam màu sinh động vào những phần “cut-out” trong thiết kế của mình.
Những sáng tạo của Shamekh nhìn có vẻ ngẫu hứng và dễ thực hiện, nhưng nó đòi hỏi anh phải lựa chọn được những bối cảnh chứa đựng chi tiết, màu sắc phù hợp với thiết kế, giàu tính thẩm mỹ, độc đáo, nhưng cũng phải thật hợp lý, để người xem thấy thời trang và cuộc sống trong mỗi bức ảnh thực sự hòa vào một tổng thể ăn nhập.
Bộ sưu tập của Shamekh Bluwi đã được sáng tạo nên không chỉ bằng cảm hứng thời trang mà còn cả trí tưởng tượng bay bổng. Shamekh có ý tưởng thực hiện bộ sưu tập này trong những chuyến du lịch. Anh muốn chia sẻ với mọi người trải nghiệm du lịch của mình theo một cách mới mẻ, độc đáo; và với thói quen nghề nghiệp, anh nghĩ ngay tới thời trang.
Vậy là Shamekh liền biến những quang cảnh đẹp mà mình đi qua trở thành một phần chất liệu làm nên bộ sưu tập thời trang độc đáo hiếm thấy. Bằng cách kết hợp giữa những thiết kế thời trang “cut-out” bằng giấy với phong cảnh phù hợp, Shamekh đã đưa những đường nét cảnh vật vào làm họa tiết thời trang.
Vẻ đẹp không tưởng của bộ sưu tập “thời trang và cuộc sống”:
Bích Ngọc
Theo Bored Panda