Trang

Thứ Hai, 26 tháng 5, 2014

Biển đông và kinh tế

Diễn biến quanh việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trên vùng biển Việt Nam vẫn tiếp tục căng thẳng. Bên cạnh việc lên án mạnh mẽ hành động này của Trung Quốc, dư luận trong nước và quốc tế cũng lo ngại nếu sự việc tiếp tục căng thẳng kéo dài, kinh tế Việt Nam sẽ bị thiệt hại bởi nền kinh tế Việt Nam đang phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc.

Tuy nhiên, dưới góc nhìn của mình, ông Vũ Tuấn Anh – Giám đốc Viện Quản lý Việt Nam cho rằng: Giàn khoan Hải Dương 981 nhìn trên phương diện tích cực là áp lực đòi hỏi Việt Nam phải thay đổi về chiến lược phát triển kinh tế, xã hội nói chung. Một quốc gia mạnh mẽ phải cần một nền kinh tế mạnh mẽ để có đủ nguồn tài lực chu cấp cho khoa học, kỹ thuật, quân sự và đời sống nhân dân. Một cơ thể khỏe mạnh cường tráng về thể lực và tinh thần sẽ đề kháng mọi bệnh tật từ bên ngoài.



Và để tránh phụ thuộc vào Trung Quốc, nền kinh tế Việt Nam cần phải thay đổi kiên quyết từ các mô hình phát triển kinh tế. Cán cân thặng dư mậu dịch với Trung Quốc bắt nguồn sâu xa từ việc áp dụng mô hình tăng trưởng thông qua các khu chế xuất và hệ thống các nhà máy gia công sản xuất. Một cách nhìn khác, nếu như kinh tế Việt Nam tăng trưởng chủ yếu bởi các ngành kinh tế khác thì số lượng công nhân và nhà máy có nguồn gốc từ Trung Quốc và Đài Loan sẽ ít đi. Khi chúng ta phát triển các nhà máy sản xuất này, câu chuyện phải nhập nguyên vật liệu là đương nhiên từ công xưởng khổng lồ thế giới- Trung Quốc.

Mô hình kinh tế Việt Nam cần tập trung vào các ngành cụ thể – tăng giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản, Công nghệ thông tin, du lịch khách sạn. Có thể nói mọi ngành tại Việt Nam đều là quan trọng trong các chiến lược phát triển nhà nước. Khi mọi ngành là quan trọng có nghĩa là chẳng có ngành nào là quan trọng do dàn hàng ngang tiến lên.
Lãnh đạo Đảng và Nhà Nước cần xác định rõ 3-5 ngành cụ thể và đầu tư thật rõ ràng theo quy tắc 80/20. 80 % nguồn lực nhà nước và tư nhân cần tập trung cho 3-5 ngành cụ thể. Khi thực hiện cách tiếp cận này, cản trở khó khăn nhất chính là tư duy cục bộ ngành khi lãnh đạo ngành nào cũng tự coi ngành của mình là quan trọng và mang lại hiệu quả nhất.

Nhìn trên thực tế, nhà nước cần thay đổi tư duy từ việc tạo ra các tập đoàn nhà nước mạnh chuyển sang hình thành các tập đoàn sở hữu bởi dòng vốn Việt Nam mạnh. Các công ty và tập đoàn lớn trên thế giới đều phát triển và ngày càng bành trướng ra nhiều quốc gia. Lợi nhuận của tập đoàn sẽ được kết chuyển về quốc gia bản địa.
Mục tiêu lâu dài của nền kinh tế Việt Nam là cần phải hình thành nhiều tập đoàn và công ty sở hữu bằng nguồn vốn Việt có thể là tư nhân hoặc nhà nước. Đây chính là một bước ngoặt đòi hỏi sự thay đổi nhận thức trong lãnh đạo. Nếu như Việt Nam có từ 40-50 tập đoàn mạnh như Vinamilk, Trung Nguyên, Hoàng Anh Gia Lai, Tôn Hoa Sen, Viettel, chắc chắn vị thế kinh tế và chính trị của Việt Nam sẽ vững mạnh rất nhiều.

Vấn đề kế tiếp đó là nhà nước và chính phủ cần tập trung nguồn vốn phát triển hạ tầng một cách tập trung cũng theo quy tắc 80/20 nhằm tránh tình trang đầu tư hạ tầng tràn lan và hầu như dự án nào cũng dang dở làm lãng phí nguồn lực. Trong vấn đề này, có một câu chuyện phân quyền đầu tư giữa nhà nước và các tỉnh. Trên thực tế có rất nhiều dự án và quy hoạch phát triển cần phải đứng trên tư duy vùng thay vì tỉnh như quy hoạch đất, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông…

Việc phân cấp đầu tư xuống 64 tỉnh thành vô hình chung đã chia nhỏ nguồn lực ít ỏi của chúng ta ra 64 phần. Càng chia nhỏ bao nhiêu thì tính hiệu quả – làm đúng mục tiêu càng trở nên khó khăn hơn. Nên chăng các dự án theo qui mô và ảnh hưởng nên được quyết  định bởi Bộ thay vì các tỉnh như hiện tại hoặc theo cơ chế Vùng nhằm tăng tính hiệu quả của dòng vốn đầu tư.
Vấn đề cuối cùng chính là nhân lực. Nhân lực khác các nguồn lực khác do nó cần thời gian trễ. Để có được nguồn  nhân lực đại học tốt, ít nhất chúng ta phải chuẩn bị trước 3 năm cấp ba và 4 năm đại học tương đương 7 năm. Hay nói cách khác, ngành giáo dục phải có ít nhất tầm nhìn trước 7 năm so với các ngành khác để đáp ứng nhu cầu tương lai. Thật đáng tiếc, ngành giáo dục chạy theo các ngành khác còn chưa kịp. Cải cách giáo dục cần phải được ưu tiên và thực hiện quyết liệt trong những năm tới mới có thể giúp Việt Nam thoát khỏi nghèo nàn và lạc hậu.
Theo lý thuyết hệ thống, mỗi hệ thống đều có điểm cực đại của nó, Muốn phát triển lên tiếp theo, bản thân hệ thống phải thay đổi triệt để về  cơ cấu, qui trình và phương pháp quản lý tiếp cận. Nền kinh tế Việt Nam đã cất cánh 20 năm từ năm 1994. Thời điểm này chính là lúc chúng ta cần nhìn nhận nghiêm túc để thay đổi triệt để nhằm đạt những bước phát triển lớn lao hơn.

(Theo Giáo Dục)

3 nhận xét:

  1. Sức mạnh kinh tế VN hiện nay có trong các lĩnh vực nào ,có cac mũi nhọn nào hay toàn là mũi tù ? Còn hệ thống lộn xộn này sẽ không cócải cách hữu hiệu ,đó là ý kiến của người không có hiểu biết về kinh tế .xin lỗi e TG nhé .

    Trả lờiXóa
  2. NHững ý kiến khá mới và mạnh bạo nêu lên trong bài này rất đáng quí. Tác giả đã đúng khi vận dụng phép biện chứng để nhận định : chính cái dàn khoan chết dẫm của TQ ấy đã đòi hỏi chúng ta phải thay đổi. Nói như anh Chu Hảo từ lâu :"thay đôi hay là chết ". Tuy nhiên, tác giả mới chỉ dừng ở những kiến nghị đổi thay về " kinh tế và xã hội ". Trong khi lịch sử dân tộc đang cần sang trang mới, nghĩa là phải thay đổi toàn diện mà trước hết là " đổi mới thể chế chính trị ", đổi mới tư duy lý luận dẫn đường ( không chỉ tư duy kinh tế ), đổi mới thể chế kinh tế và mô hình tăng trưởng,đổi mới văn hóa, giáo dục KHCN v.v.Tất cả nhằm vào mục tiêu : nhanh chóng tăng sức mạnh nội lực của đất nước để đối phó với tham vọng bành trưởng của siêu cường mới nổi . Nếu vẫn còn những" tiếng kèn ngập ngừng ", đặc biệt không đổi mới cơ bản thế chế chính trị thì mọi cái khác đều khó đi vào cuộc sống. Thực tiến gần 40 năm qua chứng tỏ điều đó. Phải không bạn ST ?

    Trả lờiXóa
  3. Bài viết nêu một cách nhìn khá độc đáo ! Cảm ơn người sưu tầm !

    Trả lờiXóa