Trang

Thứ Tư, 15 tháng 11, 2017

Góc sức khỏe: PHÒNG TRÁNH CẢM LẠNH TRONG MÙA RÉT


Nguyễn lân Dũng
Cảm lạnh là bệnh xảy ra ở đường hô hấp trên khi trời trở lạnh. Biểu hiện chủ yếu là ho, đau họng, sổ mũi, hắt hơi và sốt. Các triệu chứng và cách điều trị cảm lạnh đã được miêu tả trên giấy cói (Papyrus Ebers) của người Ai Cập cổ đại. Đó là văn bản y tế lâu đời nhất hiện có và được viết vào khoảng thế kỉ 16 Trước Công nguyên. Tên gọi common cold (cảm lạnh) xuất hiện vào khoảng thế kỷ 16. Và ở Anh các đơn vị nghiên cứu đã được thành lập vào năm 1946 nhằm nghiên cứu sâu sắc hơn về căn bệnh này.
Nguyên nhân thường là do virut, nhất là nhóm Rhinovirus gây nên. Cảm lạnh có thể dẫn đến viêm họng, viêm xoang do cơ thể phản ứng lại với virut. Trung bình người lớn thường bị cảm lạnh 2-4 lần/năm; trẻ em thì thường bị tới 6-8 lần/năm. Ở trẻ nhỏ cảm lạnh ảnh hưởng trực tiếp tới khí quản, gây nên triệu chứng viêm thanh quản, do kích thước đường hô hấp ở trẻ là khá nhỏ.

Triệu chứng ban đầu thường là ho, xổ mũi, nghẹt mũi, đau họng, đôi khi đau cơ. Mệt mỏi, đau đầu, ăn không ngon miệng. Ho do cảm lạnh nhẹ hơn so với cúm. Trẻ em bị cảm lạnh thì khó ngủ, hay ói sữa, biếng ăn, táo bón (hai ba ngày mới đi một lần, phân hôi), tiêu chảy, hay khóc, quấy, da tái mét, khi khóc thì tím ngắt mặt mũi chân tay và khó dỗ được.
Có tới 30-80% trường hợp cảm lạnh là do virut thuộc nhóm Rhinovirus, khoảng 10-15% do virut thuộc nhóm Coronavirus. Ngoài ra còn có nguyên nhân do các nhóm virut khác. Các virut này lây lan qua đường không khí, qua tay khi tiếp xúc với vật bẩn rồi đưa lên mắt, lên mũi. Bệnh lây lan nhanh sang những người cùng sống trong nhà hay học cùng một lớp. Cảm lạnh thường xảy ra nhiều trong những ngày mưa và lạnh. Khi đó hệ thống hô hấp nhạy cảm hơn và do không khí khô nên virut dễ khuếch tán xa hơn, tồn tại lâu hơn. Khi thiếu ngủ hoặc suy dinh dưỡng sẽ dễ mắc chứng cảm lạnh , vì lúc đó hệ thống miễn dịch của con người bị suy yếu đi khá nhiều.
Để phòng tránh cảm lạnh trước hết cần mặc đủ ấm, nhất là với con trẻ. Ra đường nên đeo khẩu trang và đeo kính râm. Tay cần rửa sach sẽ và tránh tiếp xúc với người đang bị cảm lạnh. Học sinh bị cảm lạnh cần xin phép nhà trường cho nghỉ học để điều trị và tránh lây lan cho bè bạn.
Vì bệnh do virut gây nên cho nên dùng thuốc kháng sinh thường không có tác dụng. Thường sử dụng thuốc giảm đau và hạ sốt như Ibuprofen, Acetaminophen/Paracetamol. Thuốc Rhumenol Flu 500 có chứa 500mg Acetaminophen, 5mg Loratadin và 15mg Dexthomethorphan, uống mỗi ngày 3 viên. . Tiffy là thuốc chủ yếu dùng trị cảm – sổ mũi, cụ thể dùng trị sốt, nhức đầu, đau nhức bắp thịt kèm theo sổ mũi, nghẹt mũi, viêm mũi, viêm xoang do cảm cúm hoặc dị ứng với thời tiết.Thuốc cũng được dùng để giảm đau đầu, đau lưng, đau răng, đau mỏi xương khớp. Thuốc Pseudoephedrin có hiệu quả trong việc khắc phục chứng nghẹt mũi. Có thể ngậm viên Dorithricin, mỗi viên có chứa 0,5mg Tyrothricin, 1mg Benzalkonium chloride và 1,5 mg Benzocaine. Chú ý không dùng viên này cho trẻ nhỏ. Các thuốc này đều có bán không cần đơn tại các hiệu thuốc.

Một số lưu ý khi dung thuốc: Phòng tránh hại gan: Không sốt cao (trên 38oC), không đau nhức thì không nên dùng paracetamol (acetaminophen). Khi dùng thuốc có chứa paracetamol không dùng một lúc nhiều dạng thuốc (đã tiêm không uống, đã uống không đặt thuốc hậu môn) để tránh quá liều.

Để tránh đột quỵ: Người có bệnh tăng huyết áp, tim mạch nặng, cường giáp, đái tháo đường… không dùng các biệt dược chứa phenylpropanolamin ( đã bị cấm ở Việt Nam nhưng đề phòng trường hợp mang thuốc từ nước ngoài về), pseudoephedrin.

Không dùng chlorpheniramin maleat và các biệt dược có chứa chất này cho bệnh nhân: Không dùng khi đang lên cơn hen, tắc cổ bàng quang, phì đại tuyến tiền liệt, thiên đầu thống (glaucom góc hẹp), tắc môn vị, tá tràng, loét dạ dày, trẻ sơ sinh, người mang thai 3 tháng cuối, người đang nuôi con bú.

Trường hợp nhẹ như: hắt hơi, chảy nước mũi trong… chỉ cần uống thuốc kháng histamin H1 như: chlorpheniramin maleat hoặc loratadin hoặc cetirizin… là khỏi.
Có thể dùng thực phẩm để chữa trị cảm lạnh. Ví dụ dùng nước hầm gà, nước ép cà rốt (có thêm một chút gừng, mật ong), uống 3 lần trong ngày và uống trong vài ngày.
Trung Quốc có loại thuốc Ganmao Zhike đóng trong các túi 5g có chứa bột Kim ngân hoa, Sắn dây, Sài hồ, Liên kiều, Hoàng cầm, Cát canh, Bạc hà. Uống mỗi ngày 3 lần pha trong nước sôi. Hiệu quả khá rõ nhưng lưu ý không dùng cho trẻ dưới 2 tuổi.
Kinh nghiệm dân gian ta chữa cảm lạnh bằng cháo nấu nhuyễn, thêm tía tô, hành răm, gừng và 1 lòng đỏ trứng gà. Ăn xong chùm kín chăn trong 10-15 phút để toát mồ hôi và thay áo. Còn có cách đánh gió giải cảm. Lấy một nhánh gừng tươi, giã nhỏ với tóc rối, trộn với rượu, bọc vào miếng vải thưa rồi đánh gió từ trên xuống lưng nhằm đưa khí nóng vào cơ thể bằng cách cho thấm qua da. Cũng có thể dùng đồng xu tròn bằng bạc hay thìa kim loại cạnh tròn. Bôi dầu lên da rồi rồi đánh mạnh dọc theo hai bên sống lưng và cổ, vai. Quan niệm phải sát thật mạnh cho bầm tím lên là không đúng, vì đó là cách gây xuất huyết dưới da.
Còn dung cách xông hơi bằng nồi đun các lá chanh, lá sả, các lá tía tô, kinh giới, bạc hà, mít, nhãn, gừng, nghệ, tre, cây cứt lợn… Chùm kín chăn và xông hơi trong 15-20 phút sao cho toát hết mồ hôi và ngâm hơi thuốc vào người. Có thể xông hai lần trong một lần cảm.
Nếu ho nhiều có thể dùng các loại thuốc ho có bán tại hiệu thuốc, thường dùng sirô Prospan chưa cao khô của lá Thường xuân. Cũng có thể dùng sirô chanh đào tự chế tạo như sau: Cắt 1 kg chanh đào thành miếng mỏng, ngâm với 1 lít mật ong, thêm 3 thìa muối và 1 củ gừng. sau 3 tháng có thể bắt đầu sử dụng như với các loại sirô ho khác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét