Trang

Thứ Ba, 27 tháng 10, 2015

Bài thơ "Đợi"- và tâm sự của nhà thơ Vũ quần Phương




Nhiều người biết về bài thơ "Đợi" của Vũ Quần Phương:


ĐỢI


Anh đứng trên cầu đợi em
Dưới chân cầu nước chảy ngày đêm
Ngày xưa đã chảy, sau còn chảy
Nước chảy bên lòng, anh đợi em
Anh đứng trên cầu nắng hạ
Nắng soi bên ấy lại bên này
Đợi em. Em đến? Em không đến?
Nắng tắt, còn anh đứng mãi đây!
Anh đứng trên cầu đợi em
Đứng một ngày đất lạ thành quen
Đứng một đời đất quen thành lạ
Nước chảy... kìa em, anh đợi em.


Và, cũng nhiều người không hiểu được hết ý nghĩa, thậm chí, còn nghi ngờ về tính hợp lý của hai câu thơ:
Đứng một ngày đất lạ thành quen
Đứng một đời đất quen thành lạ


Nhân cuộc gặp gỡ với Vũ Quần Phương, trong cuộc trò chuyện về sáng tạo và phê bình văn học, nhà thơ nói về bài "Đợi" và về hai câu thơ trên như sau:


Bài thơ "Đợi" cảm xúc về nhà thơ quân đội Thanh Tịnh. Số là nhà thơ Thanh Tịnh quê xứ Huế. Sau Hiệp nghị Giơ-ne-vơ, ông tập kết ra Bắc để lại người vợ yêu quý của mình ở đất Huế mộng mơ trong vòng vây chèn ép của đối phương. Ở ngoài Bắc, Thanh Tịnh làm thơ và đợi ngày thống nhất. Nhà thơ đợi suốt 20 năm - gần cả quãng đời xuân sắc - đến sau năm 1975, ông trở về Huế, thì đau đớn thay, người vợ của ông đã lấy chồng là một tên sĩ quan ngụy do chúng cưỡng bức từ thời chính quyền ngụy truy áp và khủng bố người kháng chiến cũ trong những năm 60 của thế kỷ trước. Thanh Tịnh buồn bã, cô đơn, từ biệt quê hương xứ Huế, trở ra Hà Nội tiếp tục công tác ở tạp chí Văn nghệ quân đội.
Trong hai câu thơ trên, câu trước nói về sự đợi chờ người yêu bình thường của mọi cuộc hẹn hò - chờ đợi một ngày để gặp nhau rồi quen nhau, yêu nhau. Đất không phải là cái gì khác, mà chính là người yêu nói chung và trong trường hợp của Thanh Tịnh chính là người vợ của ông. Câu thơ trước chỉ là cái cớ so sánh cho câu sau nổi trội: Thanh Tịnh đã đợi 20 năm để rồi đất quen - chính là người vợ yêu thương của mình trở thành đất lạ- người lạ, bởi cô ta đã là vợ người khác rồi!
Bài thơ nói về trường hợp của Thanh Tinh - như là "cái tôi", nhưng cũng là nói chung cho mọi trường hợp cùng cảnh ngộ như là "cái ta" - "cái ta" của dân tộc, của đất nước.
Cảm ơn nhà thơ - nhà phê bình văn học Vũ Quần Phương và xin thuật lại như trên câu chuyện có ý nghĩa về bài thơ "Đợi" của anh!

(Từ Thi Đàn Việt Nam)

5 nhận xét:

  1. Nhà thơ Vũ Quần Phương có nhiều bài thơ thật hay chị gái nhỉ ? Bài này đã đc phổ nhạc, em rất thích , em thích bài thơ Trước Biển của nhà thơ, ngôn từ thật đẹp, chị gái đi du lịch ở Hà Giang quê em về ạ? chúc chị gái vui khỏe bình an (~_~)

    Trả lờiXóa
  2. Cảm ơn HST đã làm rỏ hai câu thơ của VQP nhé
    Chúc an vui Mến

    Trả lờiXóa
  3. Đây là bài thơ hay của một nhà thơ có tiếng !

    Trả lờiXóa
  4. Thăm chị và được biết thêm ve 1 bài thơ hay

    Trả lờiXóa
  5. Cám ơn BD, LVG,TM và NM đã đến chia sẻ và để lại lời bình...Cám ơn nhiều ạ!

    Trả lờiXóa