Trang

Thứ Năm, 12 tháng 9, 2013

ẤN TƯỢNG TRONG TUẦN: DẤU ẤN LƯU QUANG VŨ

        

ST: Thời gian qua mạng loạng choạng, ST thì "chạng vạng" ốm nên không có bài cho mục này. Tuần này ST được tham dự vào sự kiện LIÊN HOAN CÁC VỞ DIỄN CỦA TÁC GIẢ LƯU QUANG VŨ, 2013. Ấn tượng thật sâu sắc nên không thể không chia sẻ với bạn bè. 

Đã 25 năm Lưu quang Vũ cùng gia đình bé nhỏ của anh ra đi, người yêu sân khấu kịch vẫn lưu luyến anh. Liên hoan sân khấu năm nay vừa để tưởng nhớ nhà thơ, người nghệ sỹ tài ba, vừa làm sống lại các sân khấu kịch vốn thiếu vắng khán giả. Mấy ngày này, các rạp chật kín chỗ ngồi. Khán giả vỗ tay liên tục sau những cảnh hay, những câu thoại cảm động. Tan vở ra về, mọi người đều như muốn nói: Kịch LQV hay thật! Không ít người lau nước mắt...Các nghệ sỹ cũng cảm động không kém. Thay màn chào khán giả, họ để tay nơi trái tim, ngước mắt nhìn xa xăm đồng thanh nói: Lưu quang Vũ, chúng tôi nhớ anh...Khán phòng lặng đi!  

Mời đọc bài sau: 

Văn hóa - Nghệ thuật Lưu Quang Vũ - sống mãi một tài năng - 

Bài 2: Hơi thở cuộc sống trong kịch Lưu Quang Vũ

(  Bài 1, mời xem: http://sankhau.com.vn/news/luu-quang-vu--song-mai-mot-tai-nang--bai-1-dieu-khong-the-mat-trong-long-khan-gia.aspx)

Trong kịch của Lưu Quang Vũ, hiện thực cuộc sống được tái hiện trung thực, nhiều khi đến nghiệt ngã. Ngay một số vở khai thác cốt truyện từ dân gian, dã sử hay lịch sử thì chất hiện thực vẫn phảng phất đâu đó. Kịch Lưu Quang Vũ đã nói được nguyện vọng của đông đảo mọi tầng lớp nhân dân.

Lưu Quang Vũ đến với sân khấu khi loại hình này đang đứng trước yêu cầu đòi hỏi hết sức khẩn thiết - phải đổi mới. Hiện thực cuộc sống được phơi bày. Cái tốt có, cái xấu có. Cái lý tưởng cứ ngày một phôi pha, cái cái tầm thường thì đang ngày càng lấn lướt... Trong Hội diễn Sân khấu toàn quốc 1980, Lưu Quang Vũ còn là tác giả trẻ và mới, thì đến năm 1985 đã xuất hiện "Hiện tượng Lưu Quang Vũ”. 8 vở kịch của anh tham gia Hội diễn thì 6 vở được tặng thưởng Huy chương Vàng, 2 vở Huy chương Bạc.


Đông đảo khán giả tới xem kịch Lưu Quang Vũ trong đêm khai mạc liên hoan

Thông qua kịch của mình, Lưu Quang Vũ đã góp phần quan trọng làm nên bộ mặt sân khấu thập kỷ tám mươi. Kịch của ông cất tiếng nói dũng cảm thức tỉnh cái tốt đẹp đang bị lấp phủ, cảnh tỉnh cái xấu, cái ác đang hoành hành, ngự trị trong cuộc sống đương đại.

Năng lực sáng tạo của Lưu Quang Vũ dồi dào, phong phú hiếm thấy. Có thể cắt nghĩa được sức sáng tạo phi thường và thành công của Lưu Quang Vũ do anh có một khả năng quan sát, nắm bắt những vấn đề nóng bỏng của đời sống một cách nhanh nhạy, sắc sảo và tinh tế cùng với tri thức giàu có về nhiều mặt. Lưu Quang Vũ rất tài trong việc đưa những chi tiết có thật trong cuộc sống trở thành những chi tiết nghệ thuật mang sức khái quát, có ý nghĩa mà không sống sượng; đồng thời đưa tác phẩm nghệ thuật phổ biến vào đời sống một cách thoải mái như cuộc sống đang được trung thực tái hiện lại.


Cảnh trong vở Lời thề thứ 9

Mọi thành phần, mọi lứa tuổi đều gặp trong kịch của anh những điều tâm đắc, những băn khoăn, day dứt về nhân tình thế thái, về cuộc sống hôm nay, và khá đồng tình với cách lý giải của tác giả.

Ngoài sự phát hiện, xây dựng nên những nhân vật mang dáng nét con người mới hôm nay và ngày mai, tác giả còn không ngần ngại phê phán các kiểu nhân vật tiêu cực có thật trong đời sống, thuộc đủ mọi giai tầng. Những nhân vật trước kia người ta thường né tránh.

Các tác phẩm kịch của Lưu Quang Vũ tạo nên một thế giới nhân vật rộng lớn. Kịch cổ tích, dân gian như: Lời nói dối cuối cùng, Hồn Trương Ba, da hàng thịt, Linh hồn của đá.... Kịch lịch sử, dã sử như: Ông vua hóa hổ, Ngọc Hân công chúa hay lịch sử hiện đại như Sống mãi tuổi 17, Hẹn ngày trở lại, Chết cho điều chưa có, Nữ ký giả, Vách đá nóng bỏng...


Cảnh trong vở Ông không phải là bố tôi

Nhưng chủ yếu nhất vẫn là những tác phẩm về đề tài hiện đại. Có thể thấy trong kịch Lưu Quang Vũ có mặt nhiều ngành nghề, công việc của đời sống hôm nay như công nghiệp, sản xuất ở các nhà máy, xí nghiệp... (Tôi và chúng ta, Khoảnh khắc và vô tận, Nếu anh không đốt lửa), ngành y tế (Nguồn sáng trong đời, Hạnh phúc của người bất hạnh), ngành giáo dục (Mùa hạ cuối cùng ).... Ông luôn luôn đi tìm trong cuộc sống ngổn ngang, gồ ghề, sôi động cái chất thơ đằm thắm, nhẹ nhàng mà hóm hỉnh, sâu lắng, để rồi hòa quyện hình thành nên một tổng thể giữa chính luận - thời sự và trữ tình. Đây cũng là một trong những đặc điểm của kịch Lưu Quang Vũ, và cũng chính là sức hút kịch của anh.

Kịch Lưu Quang Vũ còn là sự tìm về với quá khứ lịch sử dân tộc, để một lần nữa giũ sạch lớp bụi thời gian phủ lên trên những tên tuổi mà sử sách chính thống nhắc đến sơ sài, để phát hiện thêm những giá trị đã có thiết thực, gần gũi, chuyên chở một dung lượng ý nghĩa muôn thủa với cuộc sống ngày hôm nay. Đó là cách khai thác thành công của Lưu Quang Vũ trong một số vở kịch viết cho sân khấu truyền thống (chèo) như "Ngọc Hân công chúa”, hay truyền thuyết lịch sử như "Ông vua hóa hổ”. Cũng từ nguồn cảm hứng dân gian bất tận ,"Lời nói dối cuối cùng” và "Hồn Trương Ba, da hàng thịt” được đưa lên sân khấu kịch nói hiện đại.

Từ một chuyện cổ dân gian mang tính triết lý cao, Lưu Quang Vũ sáng tác vở kịch "Hồn Trương Ba, da hàng thịt”. Vở kịch đi thẳng vào người xem với vấn đề muôn thuở của con người, cũng là vấn đề cấp bách của cuộc sống hiện tại. Nó lôi cuốn người xem cùng vui, cùng buồn, cùng lo toan, trăn trở, để rồi mỗi dạng người khác nhau đều bị tư tưởng của vở kịch đeo đẳng. Vở kịch được Lưu Quang Vũ xây dựng bằng phương pháp ẩn dụ. Ý nghĩa câu chuyện không được trình bày thẳng băng, cụ thể, mà thông qua cuộc đấu tranh hết sức khốc liệt, phức tạp giữa phần hồn và phần xác, tác giả muốn đề cập đến vấn đề mang tầm khái quát cao, đó là: Sự tha hóa của con người tốt trong môi trường xấu. Có thể thấy một điều: Con người đang làm hỏng dần cuộc sống và đối lại, cuộc sống đang hủy diệt những phần tốt đẹp của con người. Vở kịch triết lý sâu sắc về cuộc sống ở mọi tầng ý nghĩa của nó.

Những vấn đề bức thiết của cuộc sống chưa bao giờ được Lưu Quang Vũ đưa lên sân khấu ào ạt như trong năm 1988. Chỉ trừ có "Ngọc Hân công chúa” là soi vào lịch sử, còn mọi vở diễn đều mang hơi thở cuộc sống được trình diễn, xem xét ở những bình diện khác nhau. "Quyền được hạnh phúc” tập trung những tư tưởng dân chủ cao nhất của Lưu Quang Vũ, được xây dựng bằng những chuyện có thật trong cuộc đời. "Ông không phải bố tôi” là sự đan xen xót xa giữa quá khứ ấu trĩ vừa qua và hiện tại cuộc sống hôm nay. Ai đã từng xem "Lời thề thứ chín” mà không khỏi băn khăn trước cuộc sống hiện nay. Mối quan hệ giữa tiền tuyến và hậu phương, người lính đang cầm súng bảo vệ tổ quốc và gia đình của người lính... Chỉ đến vở "Lời thề thứ chín” mới được nhìn nhận một cách khá toàn diện, xác thực.

Khi nghệ thuật đồng hành được cùng "tâm trạng xã hội” thì tác dụng của nó với đời sống, vào đời sống thật to lớn biết chừng nào. "Vụ án 2000 ngày” hay "Trái tim trong trắng” lại được Lưu Quang Vũ xây dựng nên tác phẩm bằng sự thật đau lòng của một vụ án được báo chí phanh phui. Sự bất công ngang trái trong cuộc đời không chỉ diễn ra ở một vài nơi do một vài con người gây nên, mà những bất công, đau xót này đã và đang xảy ra hàng ngày trong xã hội.


Mỹ Hằng / daidoanket.vn


“Bởi chưng hay ghét cũng là hay thương”



Tôi may mắn được sống gần gũi và thân thiết với Lưu Quang Vũ những năm cuối đời, nên thân thiết và hiểu Vũ lắm. Đời anh thật giống với một câu thơ của cụ Nguyễn Đình Chiểu “Bởi chưng hay ghét cũng là hay thương”. 



Vũ viết kịch để vạch cho xã hội thấy những ung nhọt, những bất cập không phải vì muốn đánh đổ nó, thù ghét nó mà chỉ vì quá thương đời đấy thôi. Lúc nào Vũ cũng khao khát một xã hội tốt đẹp, công bằng và hạnh phúc cho con người, nên anh viết bằng cả tấm lòng, như một bác sĩ chữa bệnh, không vạch vòi vào đúng căn bệnh, làm sao biết được thuốc nào để trị. Đóng góp ấy của Vũ, người đời đã ghi nhận và vì thế, anh chưa lúc nào rơi vào quên lãng. 



Vấn đề dân chủ ở nông thôn, vấn đề cư xử giữa con người với con người, là sự đòi hỏi chính đáng của nhân dân về một cơ cấu hợp lý trong tổ chức xã hội. Từ vài thập kỷ trước, Lưu Quang Vũ đã đặt ra điều đó, và cho đến nay, vẫn đang là vấn đề thời sự.
Kịch Lưu Quang Vũ hóm hỉnh, sâu sắc, tế nhị và cách diễn tả hấp dẫn vô cùng, người xem bị cuốn hút từ đầu đến cuối, không lơi ra được, 25 năm sau ngày anh mất, chưa tác giả nào làm được điều đó. Anh viết giỏi, viết nhiều nhưng là một người khiêm nhường, giản dị, lúc nào cũng cứ thủ thỉ, sống rất sâu sắc. 



Chúng tôi là bạn thân nên có gì cũng san sẻ cho nhau, bổ sung những điều mà bạn mình thiếu hụt. Tôi đi công tác Thanh Hóa, thấy có chuyện một xã tổ chức thi đấu boxing, người ta cứ tưởng hễ khỏe là ăn tiền, nên cử một ông phó cối lên thi, tôi về kể cho Vũ nghe, thế là Vũ đưa ngay ông phó cối vào thành võ sĩ Đại Dương trong “Bệnh sĩ”. 



Tôi đi công tác miền Nam, ngồi ăn bánh mì ở sân bay, cái miếng báo gói bánh mì có câu chuyện một cậu bé da đen bị đánh tráo, thấy hay quá, tôi chùi hết mỡ dính trên tờ báo, đút vào túi đem về cho Vũ đọc. Vũ đọc xong bảo tuyệt vời, thế là cùng với tôi, đạo diễn Nguyễn Ngọc Phương, chúng tôi cùng chấp bút cho kịch bản “Đôi dòng sữa mẹ” ra đời. 



Cứ nhớ mãi cái mùa thu oan nghiệt ấy, cách đây 25 năm, ngày 29/8/1988, phút giây cuối cùng, trên chuyến xe định mệnh, tôi cõng Vũ đi tìm bệnh viện, trong khi sau tai nạn, Xuân Quỳnh và cháu Mí đã mãi mãi ra đi, vậy mà cuối cùng Vũ cũng không qua khỏi số mệnh. 



Một phần tư thế kỷ rồi, nỗi đau nào rồi cũng phải nguôi ngoai, nhưng sự ra đi của Vũ làm thiệt hại cho sân khấu Việt Nam lớn quá, nhiều lúc tôi cứ nghĩ, giá không có tai nạn ấy, thì cho đến hôm nay, Vũ vẫn còn đang lôi kéo hàng đoàn khán giả lũ lượt đến với sân khấu, để cùng khóc cười và thắp lên những ngọn lửa yêu thương với anh. 



Lưu Quang Vũ từng viết: “Người ta chỉ chết đi khi không còn để lại điều gì trong lòng nhau”, câu văn ấy có phải là một điềm báo, là một tiên đoán xót xa cho phần đời ngắn ngủi của anh? Nhưng bù lại, nó cũng là một tiên đoán về cuộc đời vĩnh cửu cho những gì mà anh đã cống hiến. 



Với tôi, với những khán giả luôn yêu thương và quý trọng anh, Vũ chưa bao giờ chết cả./.

HÌNH ẢNH  MỘT SỐ VỞ KỊCH CỦA LƯU QUANG VŨ 
( Ông không phải là bố tôi, Mùa hè cuối cùng,Ngọc Trân công chúa, Điều không thể mất, Lời thề thứ chín, Hồn Trương Ba ra hàng thịt...)

27 nhận xét:

  1. Tem vàng rồi

    Hôm khai mạc liên hoan phim ĐK có đi xem đúng là một tài năng trẻ bị mất sớm, từ những năm 80 mà LQV đã có cái nhìn sâu sắc xã hội trong những mảng tối tiềm ẩn

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Không biết ai đã nói: nhiệm vụ của người nghệ sỹ không phải chỉ là khen cái đẹp mà là chỉ ra những cái xấu, cái chưa tốt của XH, ngay cả khi mọi người không giám nói...LQV đã làm được điều đó, và làm với một tình yêu thương chứ không phải ghét bỏ nên kịch anh được mọi người đón nhận. Kỹ thuật viết cũng đáng nể!

      Xóa
  2. Lưu Quang Vũ học 10 h trường em. Bạn ấy quả là khác thường từ những khi còn ngồi trên ghế nhà trường, nhưng tài năng thật sự nở rộ khi bạn ấy đã đi bộ đội , rồi viết> Thật tiếc cho một tài năng phơi phới. Thương cả chị Xuân Quynh nưa ạ

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chị biết gia đình Vũ ở Phố Huế...và vẫn nhớ hình ảnh vợ đầu, Tố Uyên, đèo con trai đầu ( Kít ) đi học. Vũ đau khổ về mối tình đầu lắm! May sau được XQ yêu và tiếp lửa...
      Hàng năm, thanh minh khi đi thắp hương cho các cụ nhà mình, chị vẫn đến thắp hương cho gia đình Vũ ở Văn Điển Cát ạ! ( cả nhà Vũ cùng chung một ngôi mộ)

      Xóa
  3. TIEC CHO MOT NGUOi TAI HOA NGAN SO DU SAO THi LQV CUNG DA THANH NHAN VA THANH CONG KHI CAC TAC PHAM CUA ONG AY CON SONG MAI VOI THOI GIAN

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cho đến nay mọi người thừa nhận chưa ai thay thế được LQV trong kịch bản...Chị cũng đi xem một vài vở mới của nhà hat kịch VN và Nhà hát tuổi trẻ ở HN, phải công nhận là không "đã" như xem kịch LQV em ạ!

      Xóa
  4. Tiếcquá chị không được xem vở kịch nào của LQV cả. Không biết bây giờ còn đang diễn ở đâu không em.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chị ơi, chị xem lịch biểu diễn của LH này nhé:
      http://sankhau.com.vn/news/lich-bieu-dien-lien-hoan-cac-vo-dien-cua-tac-gia-luu-quang-vu.aspx

      Chị gắng đi xem đi! Cảm động lắm. Tính nhân văn và thời sự làm cho khán giả rơi nước mắt chị à!

      Xóa
    2. Chỉ còn một cơ hội cuối cùng
      15/09/2013
      Nhà hát Kịch Hà Nội
      Vở: Trái tim trong trắng
      Rạp Công nhân
      Chị sẽ đi xem, không biết có mua được vé không.

      Xóa
  5. Chị thử gửi cho em File PPS này để em thử mở hộ chị xem có được không. Em cứ nhấn vào đường Link bên dưới có chữ "Thơ và Trăng" rồi nhấn vào tải xuống. Chịu khó một tý vì đợi hơi lâu đấy.
    Thơ và Trăng

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em làm thử nhưng "nó" cứ bảo không tìm thấy . Có thể mạng đang yếu. Em sẽ tải lại sau. Em cám ơn chị ạ!

      Xóa
  6. Những ai yêu sân khấu và thơ đều thương tiếc hai tác gia Quang Vũ và Xuân Quỳnh . Phải chi họ được sống và đóng góp nhiều hơn cho người hâm mộ . Cảm ơn bài viết khá công phu của ST !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tai nạn đột ngột khiến mọi người càng tiếc nuối bác ạ! Cám ơn bác lại thăm và chia sẻ!

      Xóa
  7. Khi Lưu Quang Vũ đi bộ đội về chị cũng đến nhà thăm Vũ - Uyên. Đôi vợ chồng này có thể viết thành bi hài kịch!
    Khi ra mắt vở mới, LQV cũng hay gửi vé mời chị đến xem nên hầu như chị đã được xem gần hết các vở kịch của Vũ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vậy chị may mắn và có thể đánh giá về Kịch của Vũ sâu sắc hơn. Em được xem một số vở thôi: Lời thề thứ chín, Mùa hạ cuối cũng, Nàng Sita...Em muốn xem thêm Hồn Trương ba...chị ạ!

      Xóa
  8. Cho đến ngày nay, rõ ràng chưa có ai ở VN vượt được LQV về mặt Kịch tác gia. Vũ từ người làm thơ ( cũng rất hay) chuyển sang viết kịch bản. Không học hành , viết thành công ngay ( Vở Sống mãi Tuổi 17- Vở này tôi may mắn được xem tổng duyệt ở Rạp Dân Chủ (?) phố Huế ). Thấy Vũ rất trẻ. Khiêm nhường, có vẻ còn bẽn lẽn. Hỏi qua chuyện biết Vũ và vợ trước ( Tố Uyên) cũng học 1 lớp với bà xã tôi hồi phổ thông, họ chơi thân với nhau. Sau này Vũ chia tay Tố Uyên, lấy Xuân Quỳnh, nhà ở Phố Huế ( Nhà này vốn là nhà của Nhà nước cấp cho nhà thơ Lưu Trùng Dương, bố đẻ LQV). Có lần tôi đến phỏng vấn nhà thơ Xuân Quỳnh, thấy nhà quá chật chội, nhóm làm phim phải kéo nhân vật lên sân thương để bố trí cảnh quay. Đúng là LQV-XQ gặp nhau là do " trời định" và họ thực sự là "Cặp đôi hoàn hảo" mà lịch sử đời sống văn hóa nghệ thuật nước nhà cần phải tôn vinh- Cả thành tựu nghệ thuật lẫn tư cách công dân-nghệ sĩ . Tôi mong Thủ đô HN và Tp. HCM sớm có tên đường mang tên 2 cố nghệ sĩ trẻ tài năng này .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ý kiến anh hay quá...nhưng không biết có được không. Ngày xưa, em được biết, khi mất XQ có tiêu chuẩn nghĩa trang Mai Dịch nhưng LQV thì không nên cả nhà phải ở Văn Điển! Thật là...kỳ!
      Còn chuyện này, bố của LQV là Lưu quang Thuận, một tác giả của kịch bản chèo, còn căn phòng đó có thể là như anh nói...của LTD. Có lẽ LQV có chịu ảnh hưởng của cha mình anh ạ. Em biết vậy vì em gái MK nhà em lấy em trai LQV mà...

      Xóa
  9. Hồi gia đình anh Lưu Quang Vũ và chị Xuân Quỳnh mất vì tai nạn em đang còn ở bên Nga thì phải, em mê thơ và kích của 2 anh chị tài danh này lắm, làm thơ cứ như là ta hít thở ko khi hàng ngày vậy, những bài thơ bất hủ, những vở kịch sâu sắc sống mãi trong lòng độc giả chị gái nhỉ ?

    Chúc chị gái ngày cuối tuần an lành (~_~)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em gái BD cũng yêu thích nghệ thuật lắm. Chị cũng vậy, nhưng chị em mình chỉ biết cảm thôi, không làm được em nhỉ...Mỗi người một việc mà...Hi!

      Xóa
  10. Chị không thích kịch nhưng khi xem các vở của LQV thì lại bị cuốn hut bởi tính giản dị và hiện thực của tác phẩm.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vũ viết những câu ai cũng muốn nghe, nói những điều ai cũng muốn nói, nên xem kịch Vũ thấy gần gũi phải không chị?

      Xóa
  11. Những người tài lại hay bị chết yểu để cho đời tiếc thương, nói về đôi vợ chồng này, có lần chị đã viết :
    Xuân Quỳnh-Quang Vũ một đôi
    Trời sinh ra họ để đời tiếc thương!.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chị viết rất hay. Em chỉ thương tiếc họ mà chưa viết được gì . Nhưng em vẫn thỉnh thoảng đọc thơ XQ và LQV đấy chị à!

      Xóa
  12. Những người làm nghệ thuật để lại dấu ấn cho đời như Lưu Quang Vũ thật hiếm chị nhỉ

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Kịch của Vũ , thơ của Xuân Quỳnh- chắc không ai lại không biết...Tai nạn đã cướp đi đôi vợ chồn tài hoa của nghệ thuật nước nhà em ạ!

      Xóa
  13. Anh đã từng xem được mấy vở kịch của LQV nhơ nhất là vở " hồn trương ba da hang thit', mới đây lai được mời đi xem kịch của Vũ tiếc là hôm đó bận không đi được. Trước đây cứ mỗi lần đi Hải phòng qua đầu dốc nơi vợ chông LQ Vũ bi tai nạn xe ô tô thì lại nhơ thương họ và hận cho nganh giao thông VN bao nhiêu tai nạn cướp đi nhiều thiên tài của đất nước. Thật khó có được một người viết kịch tài ba như VŨ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em cũng vậy, qua nơi ấy lại nhớ về họ! Cám ơn anh đã chia sẻ!

      Xóa